Xây dựng sandbox cho sàn tiền ảo và giao dịch tiền ảo: cần chính sách đột phá nhưng phải kiểm soát được rủi ro

Chiều 17-1, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) đã tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech) hướng đến phát triển Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại TPHCM.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, việc thí điểm mở sàn giao dịch tiền số và tài sản số là cần thiết, tuy nhiên cần có hành lang pháp lý rõ ràng để có thể thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, thu được thuế, cũng như tận dụng công nghệ để phát triển nhưng phải kiểm soát được rủi ro.

Chủ trì hội thảo, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC), Ủy ban quản lý, điều hành TTTC có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro đối với sandbox trong hoạt động Fintech. Việc thử nghiệm gồm sàn giao dịch với tài sản, tiền mã hóa (tài sản số, tiền số). Các giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong TTTC sẽ được thực hiện từ ngày 1-7-2026.

“Trên tinh thần xây dựng TTTCQT phải có những chính sách đột phá để thúc đẩy các lĩnh vực mới phát triển nhưng quan trọng nhất vẫn phải quản trị được rủi ro, phải có những quy định cụ thể, có văn bản pháp lý khả thi vì lĩnh vực tiền mã hóa ẩn chứa nhiều rủi ro như rửa tiền, tội phạm công nghệ..."- TS Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh.

Tại đây các chuyên gia cho rằng, hiện trên thế giới có rất nhiều loại tiền số được coi là tài sản ảo, phổ biến nhất là Bitcoin. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa thừa nhận tiền số là một loại tài sản. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Hiện Việt Nam không cấm giao dịch tài sản ảo nhưng việc thiếu khung pháp lý cho tài sản này khiến nhiều doanh nghiệp chọn Singapore, Mỹ đăng ký rồi về hoạt động ở Việt Nam, gây mất lợi thế cạnh tranh và thất thu thuế. Còn ở góc độ người dùng, việc thiếu minh bạch dẫn tới rủi ro trong giao dịch.

TMHV.jpg
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM phát biểu tại hội thảo

Ông Đức Đặng, Công ty Quỹ IDG Việt Nam khẳng định, hiện đang có xu hướng blockchain (công nghệ chuỗi khối) hóa mọi ngành nghề. Trong đó, Fintech là ngành có ứng dụng công nghệ này mạnh mẽ nhất, tạo ra một cuộc cách mạng trong thời gian qua. Xu hướng phát triển công nghệ blockchain hay Fintech là tất yếu nên Việt Nam cần có cách tiếp cận là vừa làm vừa xếp hàng để tiết kiệm thời gian. Trước đây, Việt Nam cũng đã có những sản phẩm vừa làm, vừa thử nghiệm như cổng thanh toán trung gian, ví điện tử và đã trở thành những sản phẩm thành công trên thị trường.

Theo ông Đức Đặng, thực hiện sandbox cho nhiều lĩnh vực mới trong khoảng 2 năm là hợp lý. Tuy nhiên, tạo sandbox cho Fintech cần phải phải độc lập với hệ thống tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hiện tại. Khu trú trong một ranh giới tại TPHCM nhưng không chỉ thử nghiệm trong Việt Nam mà phải đảm bảo hệ thống kết nối được với quốc tế, từ đó mới thu hút được dòng tiền đầu tư nước ngoài.

“Thêm nữa, cần khai thác lợi thế hiện tại của Việt Nam: dân số trẻ, nhiều kỹ sư công nghệ, là quốc gia trong TOP 5 trên thế giới sở hữu số lượng tài khoản của Crypto (tiền mã hoá) với khoảng 8 triệu tài khoản. Đây là nguồn lực lớn của Việt Nam trong xu hướng blockchain hiện nay nên cần tận dụng”- ông Đức Đặng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc lập sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa, ông Đức Đặng cho biết, về mặt kỹ thuật là khá đơn giản nhưng cái khó là thành lập bao nhiêu sàn và đơn vị quản lý là ai? "Vì lợi thế của đồng tiền mã hóa là vô danh thể hiện tính tự do và dân chủ, nhưng nếu kiểm soát trên sàn tập trung thì có ai chịu tham gia không? Hoặc có thể lập 3 sàn: 1 sàn giao dịch tập trung, 1 sàn phi tập trung và 1 sàn quốc tế hay không? – ông Đức Đặng đặt vấn đề.

Tại đây, các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp, ngoài việc tạo sandbox cho Fintech, có thể token hóa tài sản (chuyển đổi tài sản truyền thống thành tài sản kỹ thuật số).

Ông Johan Nyvene, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán HSC cho rằng, hiện Việt Nam có rất nhiều sản phẩm tài chính truyền thống. Nếu tập trung phát triển những sản phẩm này đưa vào TTTCQT cũng có mặt thuận lợi nhưng do chưa có pháp lý nên sẽ rối. Còn nhắm đến tạo sandbox cho Fintech dễ hơn nhưng hiện nay không có mô hình TTTC để học hỏi. Trong các mô hình TTTCQT trên thế giới như: Hồng Kong, Singapore, New York, London… không có nơi nào đưa ra khái niệm thành lập TTTC rồi mới tạo ra các sản phẩm đưa vào, mà ở đó họ đã hình thành các sản phẩm tài chính, được nhiều đối tượng tham gia rồi từ đó trở thành TTTC.

Theo ông Johan Nyvene, thị trường chứng khoán đã và đang là thị trường tài chính lớn ở Việt Nam. Mỗi ngày giao dịch khoảng 500 triệu USD, đỉnh điểm lên đến 2 tỷ USD/phiên. Đây là thị trường tài chính đã được thử nghiệm nên có thể token hóa chứng khoán. Tuy nhiên, để làm được việc này, phải giải quyết 2 vấn đề cốt lõi của thị trường chứng khoán hiện nay, đó là đối xử bình đẳng với tất cả các nhà đầu tư trong - nước ngoài và tự do chuyển đổi tài sản qua kênh quốc tế, nếu không Việt Nam khó có thể hình thành TTTCQT. “Tuy nhiên, để token hóa tài sản, cần hành lang pháp lý rõ ràng và kiểm soát rủi ro vì nếu được tự do chuyển từ VND sang tiền số thì tiền chảy ra nước ngoài rất nhanh”- ông Johan Nyvene cảnh báo.

Góp ý về mặt pháp lý, theo luật sư Trần Anh Đức, Công ty Luật quốc tế A&O Shearman, hiện nay, về mặt văn bản pháp quy, việc thành lập TTTC cũng mới dừng lại ở Nghị quyết của Chính Phủ. TTTCQT thu hút nhà đầu tư toàn cầu nên cần phải luật hóa để nhà đầu tư yên tâm.

Luật sư Trần Anh Đức cũng cho biết, hiện rất nhiều công ty nước ngoài đã và đang quan tâm, thăm dò đến Fintech tại Việt Nam như có mở sàn giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa, ngân hàng số, thanh toán số… hay không? “Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là hiện nay Việt Nam vẫn chưa có tài sản số và cũng chưa công nhận tài sản số. Trong khi đó, điểm chung của các TTTC là không kiểm soát ngoại hối gồm chuyển tiền, chuyển đổi tự do sang ngoại tệ khác. Nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát chặt chính sách ngoại hối, tại Việt Nam chỉ được sử dụng VND để giao dịch. Vậy cần có sandbox cho vấn đề này vì trong Nghị quyết của Chính phủ về thành lập TTTCTQ chưa đề cập đến” - Luật sư Trần Anh Đức kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục