Xây dựng sắc thuế cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp

Ngày 14-8, tại Hà Nội, Báo Đầu tư tổ chức hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, sắc thuế liên quan đến ngành bia - rượu - nước giải khát đang được dư luận đặc biệt quan tâm khi ngành này ước tính đóng góp khoảng 60.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,4% thu ngân sách Nhà nước trong năm 2023.

Đây cũng là nội dung đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025) để thực hiện điều tiết lượng sử dụng và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu/bia.

Tuy nhiên, các phương án lộ trình tăng thuế được đưa ra trong dự thảo cũng đang làm dấy lên những băn khoăn, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành bia rượu nước giải khát nói riêng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Riêng ngành đồ uống đã chứng kiến thực trạng lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm từ năm 2021, thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2020-2023.

hoithao148-4776.jpg
Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết, việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế.

Song, mọi động thái thay đổi trong các sắc thuế đều luôn được cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Việc tăng hay giảm thuế vừa tác động trực tiếp đến ngân sách Nhà nước do thuế là nguồn thu chủ yếu, vừa tạo ra những ảnh hưởng mang tính thúc đẩy hoặc kìm hãm một số ngành nghề kinh doanh bởi vai trò quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế của thuế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Cục trưởng cục Thuế doanh nghiệp nhận xét, thuế nói chung cũng như thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng, nhiệm vụ chính của nó là sáng tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời việc thu thuế sẽ tác động thay đổi hành vi về sản xuất, về tiêu dùng, về thu nhập, cùng với việc đó sẽ có tác dụng trong việc tác động đến quan hệ cung cầu, quan hệ trong xã hội.

Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về các nội dung như: lộ trình tăng thuế nên thế nào là hợp lý để đảm bảo các mục tiêu điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khỏe con người; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước ổn định, bền vững; đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước; tâm lý hành vi tiêu dùng sẽ thay đổi thế nào và cần có những giải pháp gì để ứng với sự chuyển dịch hành vi tiêu dùng sang những sản phẩm không chính thống, không đảm bảo chất lượng khi giá tăng do thuế cao.

Tin cùng chuyên mục