Theo đó, UBND TP giao cho Sở KH-ĐT sớm hoàn chỉnh để trình UBND TP phê duyệt, ban hành quy trình này để áp dụng ngay trong đầu năm 2020. Việc ban hành quy trình này nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong việc đăng ký vốn, giải ngân, quyết toán… đối với các dự án đầu tư công.
Bà Lê Thị Quỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết, tổng vốn đã giải ngân tính đến hết ngày 31-1-2019 (niên độ ngân sách năm 2018) là 25.948 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 75,48%. Kế hoạch năm 2019, tính đến 30-9-2019 tổng vốn đã giải ngân tại Kho bạc TP là 12.875 tỷ đồng, đạt 38,12%. Trong đó công tác đăng ký, bố trí kế hoạch vốn có những nguyên nhân khó khăn khách quan như, chỉ tiêu kế hoạch vốn cân đối từ ngân sách địa phương của TP của trung ương giao có sự khác biệt với dự toán của HĐND TP thông qua, dẫn đến việc tính toán tỷ lệ giải ngân của TP có sự chênh lệch với tỷ lệ giải ngân của trung ương công bố.
Kế hoạch vốn bố trí nêu trên chưa đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án theo đúng các hiệp định đã cam kết, dễ dẫn đến các chi phí, lãi phạt chậm thanh toán và các khiếu kiện nhà thầu nước ngoài… Về thể chế và quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư công cũng còn nhiều bất cập… Về nguyên nhân chủ quan, việc điều chỉnh kế hoạch vốn trong các năm chủ yếu nhu cầu và tiến độ giải ngân của chủ đầu tư nhưng chưa xác định số lần điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh gây khó khăn cho chủ đầu tư trong công tác dự báo, lập kế hoạch, dẫn đến việc đăng ký vốn phù hợp với tiến độ giải ngân thực tế của dự án.
Các đơn vị chủ đầu tư đăng ký vốn chưa sát với nhu cầu và tiến độ thực hiện dự án. Vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hiện nay được bố trí từ nguồn bội chi ngân sách địa phương theo quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Tài chính, TP không có thẩm quyền điều chuyển nguồn vốn này cho các dự án khác sử dụng vốn ngân sách TP.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP sẽ kiến nghị các bộ ngành trung ương khắc phục những bất cập trên, nhất là trung ương cũng phải có quy trình về việc bố trí vốn cho các dự án đầu tư công, vốn ODA cho địa phương phải đáp ứng nhu cầu của TP, chỉ tính tỷ lệ giải ngân trên cơ sở nguồn vốn đã được cấp. Đối với các dự án đầu tư công của TP, phải xây dựng quy trình trên cơ sở các quy định hiện hành từ lúc đăng ký cho đến thẩm định…
Xem xét trách nhiệm của tập thể các đơn vị đăng ký vốn, nhằm tránh tình trạng đăng ký vốn không sát với thực tế; dự án đăng ký phải sát với yêu cầu thực tế, tính khả thi cao, tránh tình trạng đăng ký hàng trăm tỷ đồng nhưng mỗi năm xin giải ngân chỉ vài tỷ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về việc chậm giải ngân các dự án đầu tư công, đăng ký dự án không khả thi; xây dựng phần mềm để cập nhật tiến độ giải ngân, khối lượng hoàn thành của dự án; đối với khối lượng công trình đã hoàn thành trong vòng 30 ngày chủ đầu tư phải báo cáo quyết toán, nếu chậm trễ phải nêu rõ nguyên nhân; những đơn vị giải ngân đầu tư công đạt trên 95% TP sẽ xem xét khen thưởng…