Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian tạm đóng cửa để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Tại TPHCM, trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, yêu cầu đặt ra để có thể hoạt động trở lại là các chợ truyền thống phải xây dựng phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch như tăng bán hàng trực tuyến, tiểu thương bán theo tuần, tiêm ngừa vaccine…
Theo ông Trần Tiến Khai, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM, thương nhân ở chợ đầu mối có thể giao nhận trực tiếp đến chợ lẻ mà không cần đưa hàng vào khuôn chợ, khi được giám sát chặt chẽ từ ban quản lý chợ. Các chợ lẻ chỉ ưu tiên bán nông sản, thực phẩm tươi sống, không bán những mặt hàng khác, nhằm giảm lượng người, cũng như đảm bảo khoảng cách an toàn. Hiện nay, nhiều chợ đang bán hàng theo ngày chẵn và lẻ, thay vì cho tiểu thương bán hàng theo tuần để tránh tồn kho nông sản. Bởi vì trong một ngày nhiều tiểu thương có thể không bán hết được hàng, phải đem đổ bỏ. Bên cạnh đó, tiểu thương thường tiếp xúc với nhiều người nên cần đảm bảo được chích vaccine đầy đủ nhằm hạn chế lây nhiễm.
Một quản lý chợ đầu mối cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chợ đầu mối rất khó hoạt động trở lại trước khi dịch Covid-19 được khống chế. Tuy nhiên, hướng đến lâu dài, chợ đầu mối có thể bán hàng qua hình thức thương mại điện tử. Và nếu bán trên sàn điện tử, các sản phẩm cần phải có bao bì, nhãn mác, đảm bảo an toàn thực phẩm để quản lý. Các chợ truyền thống cần triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối trực tuyến đến tiểu thương để thuận tiện cho các hoạt động giao dịch, tiếp nhận và phân phối hàng hóa.
Hiện nay, nhiều siêu thị sau khi phát hiện có ca F0 phải đóng cửa để khử khuẩn, mất cả tuần mới mở lại, khiến nhiều loại thực phẩm tươi sống, hàng hóa không biết chuyển đi đâu. Vì vậy, theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, các siêu thị chỉ nên đóng cửa 24-72 tiếng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng nên cho phép shipper của siêu thị hoạt động. Các địa phương khi phát phiếu đi chợ cho người dân, cần phối hợp với nhà bán lẻ, chợ truyền thống để sắp xếp đi theo giờ hợp lý, tránh tình trạng xếp hàng ùn ứ trước siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống.