Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết với bút danh X.Y.Z, hoàn thành trong tháng 10 năm 1947. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm để lại giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cho tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó còn là những chỉ dẫn sâu sắc có ý nghĩa về phương pháp luận trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức “vừa hồng, vừa chuyên” tại các trường chính trị, đáp ứng yêu cầu trường chính trị chuẩn hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM báo cáo đề dẫn hội thảo |
Xây dựng phong cách viên chức trường chính trị chuẩn xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương; từ thực tiễn thực hiện chuẩn hóa các trường chính trị cấp tỉnh.
Ngày 19-5-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XIII) đã ban hành Quy định 11 về trường chính trị chuẩn với bộ tiêu chí: Về thể chế, quy định; về đội ngũ cán bộ, viên chức; về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; về xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính.
PGS.TS Nguyễn Tấn Phát thông tin, mới đây, Thành ủy TPHCM, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng phong cách viên chức trường chính trị chuẩn”. Hội thảo hôm nay nhằm tiếp tục phân tích, khẳng định giá trị của tác phẩm trên với việc xây dựng phong cách viên chức trường chính trị chuẩn.
TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM tham luận tại hội thảo |
Tham luận tại hội thảo, TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM khẳng định, “Sửa đổi lối làm việc” là tác phẩm lý luận quan trọng, là một văn kiện về xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay. Đối với giảng viên trường chính trị, tác phẩm là cẩm nang để giảng viên tra cứu thực hành tu dưỡng đạo đức cách mạng để có một sức đề kháng cao trước các “căn bệnh” nguy hiểm mà Bác Hồ đã chỉ ra. Đặc biệt, là người công tác trong trường chính trị thì hơn ai hết phải không ngừng học tập lý luận, nghiên cứu thực tiễn để làm cho bài giảng thực sự thuyết phục người học, từ đó góp phần tạo sức bền vững của thành trì lòng dân.
Theo TS Trần Thị Kim Ninh, Phó Trưởng phụ trách Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực II, giảng viên trường chính trị cần tập trung rèn luyện phong cách làm việc khoa học, đổi mới, nêu gương, tránh căn bệnh như Bác Hồ đã chỉ ra, đó là “thói cầu kỳ”, “khô khan lúng túng”. Trong đó, mỗi giảng viên phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của giảng viên trong tự xây dựng phong cách gắn với việc học và làm theo Bác.
Cùng với đó, tự học tập, rèn luyện để không ngừng tiến bộ, trưởng thành về mọi mặt. Trong quá trình làm việc, giảng viên trường chính trị cần điều tra, nghiên cứu cho rõ, cho "chín" thì mới nói, mới viết. Phải sắp xếp cẩn thận và có trách nhiệm tận cùng về công việc của mình. Đặc biệt là phải rèn ý thức nói đi đôi với làm, không khoe mẽ lấy vẻ bề ngoài che đậy sơ sài bên trong.
TS Trần Thị Kim Ninh, Phó Trưởng phụ trách Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực II nêu ý kiến |
Đồng thuận với quan điểm trên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM, nhiệm vụ đầu tiên của giảng viên trường chính trị là học tập, nghiên cứu lý luận và nâng cao trình độ lý luận chính trị. Cùng với đó, trong giảng dạy phải gắn kết được giữa lý luận với thực tiễn để nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như phong phú hơn bài giảng. Yêu cầu đặt ra là phải tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, thâm nhập thực tế với nhãn quan chính trị rộng mở, sắc bén, từ đó nắm bắt tình hình thực tiễn tại địa phương. Trên cơ sở đó, vận dụng để giảng dạy lý luận chính trị một cách hiệu quả.
Còn theo TS Bùi Ngọc Hiền, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu, Học viện Cán bộ TPHCM, trường chính trị là nơi tiên phong, truyền cảm hứng cho việc đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của viên chức.
Trong lộ trình xây dựng trường chính trị chuẩn, theo TS Bùi Ngọc Hiền, từng cá nhân, từng đơn vị đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc. Một trong những từ khóa để thay đổi phương thức làm việc là “thời hạn”. Mỗi người cần tôn trọng thời hạn cấp trên giao, nhiệm vụ được để cải thiện phương thức làm việc, và hãy làm việc theo tinh thần “quản việc” thay bằng “theo việc”. Ngoài ra, trong từng vị trí, từng cơ quan cần xem xét chúng ta có làm những việc thừa hay không. Trên cơ sở đó, cắt giảm các thủ tục không cần thiết.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung làm rõ bối cảnh và nội dung cốt lõi trong tác phẩm; khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm nói chung với việc xây dựng phong cách viên chức tại các trường chính trị nói riêng. Đồng thời đánh giá thực trạng phong cách và thực trạng xây dựng phong cách viên chức tại các trường chính trị hiện nay; những giải pháp gợi mở từ tác phẩm đối với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức cách mạng, lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị của đội ngũ viên chức theo bộ tiêu chí trường chính trị chuẩn.