Xây dựng phát triển Thủ đô với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô Hà Nội"

Ngày 17-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội và một số chương trình mục tiêu quốc gia. Tham dự cuộc làm việc, về phía TP Hà Nội có bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng các lãnh đạo TP Hà Nội.

Tại cuộc làm việc, sau khi nghe lãnh đạo TP Hà Nội báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội từ đầu năm 2024 tới nay, phương hướng, nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ, cũng như các kiến nghị nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao, biểu dương những thành tựu, nỗ lực Hà Nội đã đạt được, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.

z5739306903612_8da396edb87cd53063e5048466a3d2ce.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng lưu ý các vấn đề tồn tại, hạn chế, thách thức của Hà Nội. Trong đó, GRDP 6 tháng đầu năm 2024 của Hà Nội chỉ tăng 6%, thấp hơn mức tăng của cả nước; tiềm năng huy động nguồn lực xã hội rất lớn nhưng cơ chế, chính sách, cách làm chưa tương xứng tiềm năng; ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập úng; một số dự án hạ tầng chiến lược chưa bảo đảm tiến độ. Thiếu các sự kiện, chuỗi sự kiện văn hóa thể thao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Nhiều làng nghề truyền thống và các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống có dấu hiệu mai một.

z5739306921095_e71094bf0de79f34675354130f8e5175.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng chỉ rõ, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, ảnh hưởng không nhỏ tới nước ta. Do đó, quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô Hà Nội".

z5739306048374_35fabddd66cc707fbf3266c27a6b576b.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chỉ rõ các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội và các bộ, ngành liên quan rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội và Đại hội Đảng các cấp, các nghị quyết, kết luận của Trung ương và mới nhất là các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 9-8 vừa qua.

Thủ tướng lưu ý, Hà Nội cần xác định, các mục tiêu đạt được thì tiếp tục đẩy mạnh, các mục tiêu chưa đạt được phải cố gắng nhiều hơn, các mục tiêu khó đạt được thì phải có giải pháp đột phá. Tinh thần là quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.

Đồng thời, Hà Nội phải nỗ lực hơn trong thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, hành chính, ý thức của cán bộ, công chức để huy động mọi nguồn lực phát triển Thủ đô; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số, giảm phiền hà, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm vệ sinh môi trường, phát triển văn hóa xứng tầm Thủ đô văn minh, văn hiến, anh hùng.

z5739290499745_57deb29c7512f3fd118dbbc21092c78a.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và một số thành viên Chính phủ chụp hình lưu niệm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường Vành đai 4, lưu ý việc giải phóng mặt bằng phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, Hà Nội phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng Thủ đô thông minh.

Cùng với đó, rà soát các nhiệm vụ về văn hóa, thể thao, phát huy mạnh mẽ truyền thống ngàn năm văn hiến, biến di sản thành tài sản, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, từ đầu năm 2024 tới nay, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Kinh tế TP Hà Nội tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 6,04%, cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt gần 324.000 tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán; tổng chi ngân sách gần 53.000 tỷ đồng, đạt 36% dự toán. Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7-2024 đạt hơn 23.000 tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, đứng thứ 2 về khối lượng so với các bộ, ngành và địa phương. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%. Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục