Thủ tướng cho biết, cả nước đang tiến hành cuộc cách mạng về bộ máy để xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đi kèm với đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cơ cấu phù hợp với bộ máy tổ chức mới. Công việc này, theo người đứng đầu Chính phủ, cố gắng trong tháng 2 sẽ hoàn thiện tất cả tổ chức bộ máy mới để tháng 3 đưa vào vận hành. “Bộ máy mới vận hành có thể có vướng mắc, trục trặc nhất định, nhưng vướng thì điều chỉnh”, Thủ tướng nói.
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: QUANG PHÚC CHÍNH 2.jpeg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/hgubgt/2025_02_12/chinh-2-8304-9930.jpeg.webp)
Về công tác xây dựng pháp luật, với tinh thần “đúng vai, thuộc bài”, Thủ tướng nhấn mạnh cần phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, vì càng rõ, càng dễ đánh giá và xác định trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần phân cấp, phân quyền để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Ủng hộ quan điểm một cơ quan có thể làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao một cơ quan, Thủ tướng cho rằng, rạch ròi như vậy để rõ trách nhiệm. Đó cũng là một đổi mới quan trọng trong giai đoạn này.
Nhấn mạnh cần quy định nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng nêu rõ: “Có vấn đề cá biệt, phải xử lý ngay, Chính phủ phải họp trong 1 tiếng, 1 đêm để quyết định mà ban hành văn bản không có tính pháp quy thì ai dám làm!”.
Đi kèm với chính sách tạo sự chủ động, sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh phải có chính sách bảo vệ cán bộ. Nhắc lại câu chuyện người trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lếu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) quyết định sơ tán tất cả người dân trong cơn bão số 3 (Yagi), Thủ tướng đặt ra tình huống: “Nếu trong quá trình di chuyển có chỗ sạt lở mà chết hết cả người dân thì sao? Người dân an toàn thì ông ấy là anh hùng, nhưng nếu không may trong quá trình di chuyển lại vào chỗ sạt lở, người dân bị vùi lấp, ông trưởng thôn sẽ thành tội đồ. Nhưng đó là cách làm sáng tạo, và ông trưởng thôn thấy người dân ở chỗ nguy hiểm nên sẵn sàng chịu trách nhiệm khi di dời người dân”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh với mục đích vô tư đó, luật pháp phải bảo vệ cán bộ.
Cũng bàn về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa bày tỏ: “Chúng tôi cảm nhận dự thảo là cuộc cách mạng cho công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm. Định hướng xây dựng luật này hoàn toàn đúng đắn với thực tiễn hiện nay, để vừa đảm bảo số lượng, thời gian rút ngắn tối đa xây dựng, ban hành song đảm bảo nâng cao chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật”.
Bà cho biết, thực hiện như dự thảo luật thì một văn bản quy phạm pháp luật từ khởi thảo đến thông qua rút ngắn thời gian từ 22 tháng xuống còn 10 tháng nếu đủ các bước và theo quy trình rút gọn thì thậm chí chỉ còn 2 tháng. ĐB Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, lưu ý khâu đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật.
“Phải đánh giá tác động đến các nhóm đối tượng khác nhau, cả tích cực và tiêu cực. Luật pháp một số nước chặt chẽ, yêu cầu đánh giá tác động tiêu cực trước, tích cực sau. Họ nói làm chính sách trước tiên phải nghĩ tác động tiêu cực của chính sách đến xã hội”, ông Hiếu nói. Bên cạnh đó, khi chính sách có sự thay đổi, điều chỉnh trong quá trình soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý thì báo cáo đánh giá tác động cũng phải được cập nhật.