Xây dựng Pháp lệnh về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Nhân ngày Thế giới Phòng chống bom mìn (4-4), Bộ LĐTB-XH thông tin, trong kế hoạch năm 2024, Bộ LĐTB-XH cùng các đơn vị liên quan sẽ triển khai kế hoạch xây dựng dự thảo Pháp lệnh về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.

IMG_8024.jpeg
Bộ đội công binh Quân khu 2 rà phá bom mìn, vật nổ, khắc phục hậu quả chiến tranh trên tuyến biên giới Hà Giang. Ảnh theo Quân khu 2

Theo lộ trình, Bộ LĐTB-XH sẽ trình Chính phủ xem xét thông qua hồ sơ lập đề nghị xây dựng pháp lệnh này (dự kiến vào tháng 12-2024).

Cùng với đó, Bộ LĐTB-XH sẽ hoàn chỉnh Bộ Tiêu chuẩn quốc gia khắc phục bom mìn sau chiến tranh trình Bộ KH-CN thẩm định và ban hành (dự kiến trước tháng 12-2024); thu thập dữ liệu chuẩn bị báo cáo tổng kết chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, đề xuất chương trình giai đoạn 2025-2045 định hướng đến 2050.

Nguồn số liệu từ Bộ LĐTB-XH, hiện nay, ước tính số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn. Tính đến năm 2023, diện tích còn ô nhiễm bom mìn, chất hóa học rất lớn, khoảng 5.590.094ha, tương đương với gần 17,7% diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ.

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương.

Tin cùng chuyên mục