Ngày 27-3-2007, UBNDTP ban hành Chỉ thị 09/2007/CT-UBND về bảo đảm an toàn công trình lân cận, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình trên địa bàn TPHCM. Sau đây là một số nội dung chính của Chỉ thị 09:
* Khi xây dựng công trình, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu công trình không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh. Chủ đầu tư cần đặt ra các yêu cầu về an toàn cho các công trình lân cận với nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng ngay trong hồ sơ mời thầu hay các hợp đồng kinh tế, để thực hiện các công tác trong hoạt động xây dựng.
Trường hợp cần phá dỡ công trình cũ để xây dựng mới, trước khi phá dỡ công trình chủ đầu tư cần thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thực hiện việc chụp ảnh, quay phim, khảo sát, đo vẽ hiện trạng các nhà dân và công trình lân cận. Kết quả công việc này phải được thể hiện bằng các bản vẽ, báo cáo khảo sát hiện trạng và biên bản được lập tại hiện trường có chữ ký xác nhận của các hộ liền kề và các công trình lân cận và các bên liên quan (nếu có).
Phương án phá dỡ phải được thông báo cho các chủ hộ liền kề và các chủ công trình lân cận để có sự đồng thuận. Nếu các chủ hộ liền kề hoặc chủ các công trình lân cận không có khả năng xem xét để thoả thuận giải pháp phá dỡ, chủ đầu tư có thể mời các tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để giúp xem xét giải pháp phá dỡ này.
Việc các chủ hộ liền kề và các chủ công trình lân cận không hợp tác hoặc cố tình gây khó khăn, chủ đầu tư cần thông báo bằng văn bản cho chính quyền địa phương để được can thiệp. Đối với nhà ở riêng lẻ, chủ đầu tư cần thuê tổ chức hoặc cá nhân có năng lực chuyên môn phù hợp để thực hiện giám sát thi công xây dựng.
Việc thi công công trình xây dựng phải bảo đảm không phát tán bụi, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt quá tiêu chuẩn cho phép; không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường khi vận chuyển vật liệu xây dựng; nước thải, chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường theo đúng quy định tại Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường.
Chủ đầu tư phải có biện pháp che chắn công trình, quản lý và kiểm soát bụi, khí thải; hạn chế tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ theo đúng quy định tại các Điều 83, 85 Luật Bảo vệ Môi trường…
* Đối với nhà thầu thi công xây dựng công trình: Khi thi công chủ đầu tư phải có biện pháp chống sạt lở đất, lún, nghiêng, nứt, chấn động cho công trình liền kề; đặc biệt đối với công trình có móng bè, móng sâu hoặc có tầng hầm, cần kết hợp với đơn vị thiết kế lập bản vẽ thiết kế thi công và phương án thi công đảm bảo hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến kết cấu của công trình kế cận.
Chủ đầu tư phải che chắn toàn bộ chu vi công trình đang thi công, vật liệu che chắn không được chắp vá và làm mất mỹ quan… và có biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng, cũng như có biện pháp thu gom phế liệu xây dựng (đất bùn, xà bần, rác xây dựng…), đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và đảm bảo không ảnh hưởng tới giao thông khu vực.
Nước thải từ hố móng hoặc nước thải của thiết bị thi công, nước rửa vật liệu xây dựng không được thải vào cống thoát nước của TP nếu chưa được cơ quan quản lý thoát nước đô thị kiểm tra và cho phép.
C.Q.