Diện mạo nhiều khởi sắc
Về xã Tân Tiến (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) vào những ngày này chúng tôi thấy diện mạo vùng NTM đã có nhiều thay đổi: đường giao thông đã nối liền từ huyện đến trung tâm xã và nhiều xóm ấp trong vùng. Vì vậy, việc đi lại, trao đổi hàng hóa của dân được thuận lợi hơn; cảnh quan và môi trường vùng nông thôn được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được nâng lên. Diện mạo vùng quê xã Tân Tiến có nhiều thay đổi vì những năm gần đây Đảng bộ, chính quyền và người dân đã nỗ lực xây dựng NTM và được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Ngoài xã Tân Tiến, trên địa bàn huyện Đâm Dơi có thêm 4 xã nữa cùng về đích xã NTM.
Kết quả đạt được là đáng ghi nhận tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều thách thức. Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, do địa bàn huyện quá rộng, xuất phát điểm thấp, nguồn lực còn hạn chế. Trong khi, nhu cầu đầu tư cho các lĩnh vực đường giao thông, cầu giao thông nông thôn, trường học, thiết chế văn hóa cơ sở... là rất lớn, nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì vậy, số xã đạt chuẩn NTM chưa nhiều. “Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực, phát huy nhiều cách làm sáng tạo, tập trung nhiều giải pháp chú trọng xây dựng NTM, phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của người dân”, ông Nguyễn Chí Thiện chia sẻ.
Còn trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đến cuối năm 2020 có 42/82 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 51%. Số tiêu chí bình quân đạt các xã là 15,6 tiêu chí, tăng gấp 4,4 lần so với thời điểm xuất phát năm 2010 (3,5 tiêu chí/xã). Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,75%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt 92%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt 61%...
Với những kết quả đạt được, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu có 66/82 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 80,5% tổng số xã trong toàn tỉnh, trong đó có 20% đạt chuẩn NTM nâng cao; phấn đấu có từ 2 huyện trở lên đạt chuẩn NTM. Riêng TP Cà Mau đang trình Hội đồng Trung ương thẩm định. Khi thẩm định xong sẽ để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Cà Mau đạt chuẩn NTM.
Nhiều bài học kinh nghiệm
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2021, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử ký ban hành có nội dung quan trọng: huyện Thới Bình sẽ về đích huyện NTM trong năm nay. Hiện Thới Bình đã có 8/11 xã đạt chuẩn NTM. Còn tiêu chí huyện NTM có 4/9 tiêu chí chưa đạt. Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết, “có rất nhiều việc phải làm và còn phải nỗ lực rất nhiều”. Theo đó, huyện đề ra một số giải pháp chỉ đạo thực hiện như: củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp và bộ phận tham mưu để làm nòng cốt triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM đảm bảo theo quy định của Trung ương và tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Thới Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị cùng chung tay, góp sức; kịp thời phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, mô hình mới; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tích cực tham gia phong trào nhằm tạo sự lan tỏa trong nhân dân, cộng đồng, xã hội. Tập trung triển khai thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu sản xuất nông nghiệp, thủy sản tập trung và những lĩnh vực thiết yếu khác đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Theo Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Cà Mau, qua thực tiễn xây dựng NTM trên địa bàn, ban chỉ đạo đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm. Vì vậy, trong quá trình thực hiện sắp tới sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Theo đó, cần phải có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong thực hiện chương trình. Xác định Chương trình xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài. Kết quả đạt được phải thực chất, không chạy theo thành tích. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ và người dân thấy được tầm quan trọng của chương trình. Qua đó nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, của tổ chức, cán bộ và vai trò chủ thể của người dân. Kết hợp, lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư; huy động các nguồn lực phù hợp để thực hiện, không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước cũng như không huy động quá mức trong dân…