Xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL - Tín hiệu lạc quan

Từ ngày 18 đến 20-2, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát đã đến các tỉnh ĐBSCL kiểm tra kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng Cao Đức Phát bất ngờ trước sự đổi thay tích cực ở những xã được chọn làm điểm xây dựng mô hình. Mừng nhất là đời sống người dân nông thôn cải thiện rõ rệt, có nơi thu nhập bình quân trên diện tích sản xuất đến 130 triệu đồng/ha, trong khi bình quân của cả nước chỉ đạt 30 triệu đồng/ha.
Xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL - Tín hiệu lạc quan

Từ ngày 18 đến 20-2, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát đã đến các tỉnh ĐBSCL kiểm tra kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng Cao Đức Phát bất ngờ trước sự đổi thay tích cực ở những xã được chọn làm điểm xây dựng mô hình. Mừng nhất là đời sống người dân nông thôn cải thiện rõ rệt, có nơi thu nhập bình quân trên diện tích sản xuất đến 130 triệu đồng/ha, trong khi bình quân của cả nước chỉ đạt 30 triệu đồng/ha.

  • Khai thác thế mạnh

Trên cánh lúa đông - xuân rộng 3.780ha đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, Chủ tịch UBND xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang Nguyễn Quang Rằm mừng ra mặt: “Vụ này dân trồng lúa thắng lớn, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, thương lái đang mua lúa dài tại ruộng với 6.000 đồng/kg, giá này nông dân sống khỏe”.

Nông dân Danh Thảo, ở ấp Hòa Xuân khoe rằng: “14 ha lúa chuẩn bị thu hoạch, ước đạt 90 - 98 tấn; trúng mùa - trúng giá nên ai cũng mừng hết lớn”. Định Hòa là xã vùng sâu, có đông đồng bào dân tộc Khmer (chiếm 63%), cơ sở hạ tầng yếu kém, dân trí thấp, điều kiện canh tác lạc hậu… Điểm xuất phát thấp như vậy, thế nhưng sau gần 2 năm được chọn làm “xã điểm” xây dựng nông thôn mới, bộ mặt Định Hòa thay đổi rõ rệt.

Theo Chủ tịch xã Nguyễn Quang Rằm, trước đây bà con canh tác lúa theo tập quán cũ nên hiệu quả không cao. Khi có chương trình nông thôn mới, xã được Viện Lúa ĐBSCL hỗ trợ mô hình 4 tốt “làm đất tốt, chọn giống tốt, chăm sóc tốt, thu hoạch tốt”, cộng với nhiều đợt tập huấn về phương pháp trồng lúa xuất khẩu đã giúp nhiều hộ đồng bào Khmer nâng cao trình độ sản xuất, nhờ đó chi phí giảm được 20% và năng suất tăng 300- 400kg/ha. Khi đời sống cải thiện, các chủ trương về kinh tế - xã hội được người dân đồng tình ủng hộ.

Chỉ riêng năm 2010, xã xây dựng 16 công trình giao thông nông thôn dài 25.000m; 17 công trình thủy lợi dài 21.000m; nhiều cây cầu bê tông, trường học, trạm y tế… được xây mới tạo bộ mặt của xã ngày càng khang trang hiện đại. Trong 56 tỷ đồng phát triển nông thôn mới, xã huy động người dân đóng góp đến 11 tỷ đồng, một con số khá lớn ở vùng nông thôn sâu.

Nhiều dự án đường giao thông làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại Vĩnh Long.

Nhiều dự án đường giao thông làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại Vĩnh Long.

Tại huyện mới chia tách Bình Tân (Vĩnh Long), tình hình phát triển nông thôn mới diễn ra tích cực. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, cho biết: “Xác định thế mạnh gồm cây màu, cây lúa và nuôi thủy sản, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung khai thác. Với những sản phẩm “không đụng hàng” như khoai lang, hành lá, kết hợp nuôi cá tra công nghiệp đã giúp Bình Tân phát triển vượt bậc. Tính đến hết năm 2010, đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện đạt thu nhập 130 triệu đồng/ha. Mức rất cao so bình quân cả nước”.

Cũng được chọn làm “xã điểm” xây dựng nông thôn mới, xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang - Trà Vinh) từ khó khăn đã trở thành xã giàu của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Bền, Trưởng ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Mỹ Long Nam, thừa nhận: “Nhờ chọn đúng “mũi” đột phá là con tôm sú nên xã tập trung làm thủy lợi hoàn chỉnh, làm đường giao thông, kéo điện thông suốt các ấp phục vụ nuôi tôm công nghiệp. Song song đó, mời kỹ sư thủy sản về tập huấn kỹ thuật, tìm nguồn giống tốt, bố trí thời vụ hợp lý… giúp bà con nuôi tôm hiệu quả. Năm qua, có 792 hộ nuôi tôm có lãi chiếm 95%, trong đó nhiều hộ lãi 1 - 3 tỷ đồng/năm. Từ một xã bãi ngang, trước đây hàng loạt hộ bỏ xứ đi khắp nơi làm thuê kiếm sống, nay Mỹ Long Nam vươn lên mạnh mẽ; thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm, gấp 1,8 lần so thu nhập bình quân của toàn tỉnh".

  • Tiếp tục phát triển đồng bộ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát rất hài lòng với những kết quả tích cực từ chương trình nông thôn mới đem lại. Cái hay của từng địa phương là biết chọn lọc, khai thác tối đa thế mạnh của mình để triển khai cho người dân áp dụng và đã thành công. Từ thực tế cách làm của ĐBSCL sẽ là cơ sở tốt để Trung ương tiếp tục nghiên cứu rút kinh nghiệm những mặt được - chưa được nhằm có sự chỉ đạo, định hướng kịp thời.

Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý, ở những nơi như xã Mỹ Long Nam, xã Định Hòa, huyện Bình Tân… thu nhập tăng là điều đáng mừng, nhưng tới đây cần phát triển đồng bộ hơn, bởi xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn. Ngoài vấn đề sản xuất, cải thiện đời sống thì các địa phương cần quan tâm về sinh hoạt văn hóa của người dân, thay đổi cách cư xử, ứng xử nhã nhặn; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường trong lành…

Đồng quan điểm trên, ông Trần Hoàn Kim, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho rằng: “Phát triển nông thôn mới thì phải tạo ra bộ mặt mới. Từ con đường, lối đi, cổng chào ở ấp, hàng rào ở từng nhà… cũng phải thay đổi đẹp hơn, khang trang hơn. Rồi người dân đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ… Làm được như vậy, tới đây các cấp, các ngành cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa; tăng cường vận động đến từng hộ gia đình để mọi người biết về nông thôn mới và đồng tình ủng hộ”.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL trăn trở khi đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh không ổn định, ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất; nhiều hộ dân vẫn còn tập quán sản xuất những gì mình có chứ chưa sản xuất những thứ thị trường cần.

Bên cạnh đó, đất đai ở ĐBSCL manh mún nếu muốn tiến lên sản xuất công nghiệp, hàng hóa lớn thì phải dồn điền đổi thửa. Vấn đề này một số nơi đang làm nhưng gặp khó vì vướng các khoản chi phí như tách thửa, nhập thửa...

Ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nêu ý kiến: “Để chương trình nông thôn mới đạt kết quả tốt nhất thiết phải huy động sức mạnh tổng lực, trong đó phát huy tối đa sức dân. Vĩnh Long lên kế hoạch từ nay đến năm 2015 xây dựng 22 xã điểm nông thôn mới, với kinh phí khoảng 3.300 tỷ đồng. Cái khó hiện nay là chờ cơ chế rõ ràng, đâu là phần của trung ương, của tỉnh hoặc vận động…, kể cả sự điều phối nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia cũng chưa khớp”.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tới đây Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với các bộ ngành liên quan để thống nhất cơ chế, chính sách. Đối với các tiêu chí nông thôn mới không nhất thiết phải làm đúng quy định mà tùy theo thực tế của từng địa phương vận dụng linh động, hợp lý, nhằm phát triển nông thôn Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

Việt Nam hỗ trợ Lào xây dựng chiến lược “Tam nông”

Bộ NN-PTNT vừa trình Chính phủ xem xét và phê duyệt cấp vốn để thực hiện triển khai dự án “Xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào” từ năm 2011. Dự án này Bộ NN-PTNT giao cho Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với Viện Nghiên cứu nông lâm quốc gia Lào xây dựng. Đây cũng là hoạt động trong khuôn khổ của Hiệp định hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào ký ngày 8-1-2009.

Mục tiêu của dự án nhằm giúp Bộ Nông lâm nghiệp Lào xây dựng một chiến lược chi tiết về phát triển “Tam nông”; trong đó có đánh giá về bối cảnh phát triển, thực trạng “Tam nông” của Lào; nghiên cứu những kinh nghiệm quốc tế về “Tam nông” cũng như xây dựng tầm nhìn và quan điểm chính sách, xây dựng các giải pháp thực hiện “Tam nông” cho Lào. Dự kiến thời gian thực hiện trong khoảng 1,5 năm (từ tháng 2-2011 đến 6-2012), với kinh phí cho dự án là 5 tỷ đồng từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục