Xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã vượt qua bối cảnh khó khăn chung, tiếp tục đạt thêm nhiều kết quả quan trọng.

Huy động hơn 8.300 tỷ đồng

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết, giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã huy động 8.323 tỷ đồng để thực hiện chương tình xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách Trung ương là 284,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương 255,7 tỷ đồng, vốn lồng ghép 3.709 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 417,6 tỷ đồng và nhân dân đóng góp gần 500 tỷ đồng.

Tính đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đạt trung bình 18,53/19 tiêu chí NTM trong tổng số 80 xã. Trong đó, hiện có 64/80 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 80%), dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM; 3/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NMT (Ngã Năm, Vĩnh Châu và Mỹ Xuyên), đến cuối năm 2023 có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM.

Là huyện đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được công nhận huyện NTM (năm 2020), ông Đặng Văn Phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, cho biết, 3 năm qua, toàn huyện đã huy động được hơn 1.116 tỷ đồng để xây dựng NTM. Kết quả, diện mạo nông thôn có sự chuyển biến tích cực, rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên (tổng số hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 481 hộ, tỷ lệ 1,17%).

Bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngày càng khang trang
Bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngày càng khang trang

Đến nay, huyện đã có 7/10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ có 10/10 xã đạt chuẩn để trở thành huyện NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.

Trong 3 năm 2021-2023, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ xây dựng gần 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí 241,5 tỷ đồng, nâng tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 87,23%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở địa bàn nông thôn chỉ còn 4,75% (11.146 hộ), giảm 5.772 hộ so với đầu năm.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), và đến nay có 235 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP. Trong đó, sản phẩm gạo ST24 được Bộ NN-PTNT công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao, 11 sản phẩm OCOP 4 sao và 172 sản phẩm OCOP 3 sao…

Tỉnh đã thiết lập hệ thống điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP với 8 cửa hàng trên khắp các huyện, thị xã, thành phố; giới thiệu, quảng bá 114 sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; đặc biệt sàn thương mại điện tử của tỉnh (soctrangtrade.vn) đã được ra mắt để đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Nâng cao đời sống người dân

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế của địa phương, công cuộc xây dựng NTM tại Sóc Trăng đã tạo ra sự đột phá, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là cơ sở hạ tầng tại các xóm ấp, phum sóc, vùng sâu vùng xa ngày càng khang trang, xanh, sạch đẹp và an toàn.

Chứng kiến sự thay da đổi thịt của quê hương, anh Lâm Hòa Tha (dân tộc Khmer, ngụ ấp KoKô, xã Tân Hưng, huyện Long Phú) cho biết, 10 năm trước, người dân trong sóc đi lại chủ yếu men theo con đường đất lầy lội hoặc chèo ghe, xuồng. Mấy năm nay, Nhà nước quan tâm xây dựng đường sá rộng rãi nên bà con rất vui mừng, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đều rất tiện lợi.

Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có hơn 96% tuyến đường xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 78% đường ấp và đường liên ấp được cứng hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Ngoài ra, 100% ấp đã có lưới điện quốc gia, 99,3% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn; gần 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Hệ thống trường lớp các cấp đạt chuẩn quốc gia là 82,21%; 80/80 xã có trạm y tế đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 61,9%.

Đặc biệt, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển mạnh. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt 7,71%, mang về giá trị xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng đạt bình quân 224 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, cho biết, từ những kết quả đã đạt được, tỉnh đang đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo hướng thực chất, không chạy theo chỉ tiêu, thành tích, kết quả xây dựng phải mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững.

Trong đó, hướng đến mục tiêu nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang phát động phong trào thi đua xây dựng NTM như một cuộc “cách mạng” về nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhằm hướng đến thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, cán bộ, công chức, viên chức.

TP Sóc Trăng hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia

UBND TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) vừa tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10 và Ngày Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng năm 2023.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Châu Kiến Tường, Phó Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng, kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên thành phố gương mẫu đi đầu thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số. Tổ công nghệ số cộng đồng tăng cường hoạt động triển khai các nền tảng ứng dụng đến mọi người, mọi nơi, giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, tất cả người dân trên địa bàn TP Sóc Trăng tích cực tham gia công tác chuyển đổi số, thực hiện cài đặt đầy đủ các ứng dụng tiện ích, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến thay cho hình thức thông thường…

Tại lễ phát động, người dân được hướng dẫn cài đặt app “Công dân Sóc Trăng”. Đây là một ứng dụng cho phép người dân tra cứu các tiện ích cơ bản như thủ tục hành chính, quan trắc môi trường, đất đai, camera... Dịp này, UBND TP Sóc Trăng cũng ra mắt tuyến đường “Thanh toán không dùng tiền mặt”, trong đó đường Hai Bà Trưng được chọn thực hiện mô hình tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt.

TUẤN QUANG

Tin cùng chuyên mục