Nhắm vào mỗi cá nhân
Trước câu hỏi về hiệu quả của quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam, ông Huỳnh Long Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP VieON, khẳng định: “Quảng cáo trên nền tảng số cho hiệu quả rất rõ ràng”. Đó là lý do nhiều người sử dụng các công cụ livestream để bán hàng và mang lại doanh thu. Theo ông Long Thủy, điều quan trọng nhất là thông điệp quảng cáo đó cần được đưa đến đúng đối tượng.
Việc báo chí, truyền hình truyền thống sụt giảm doanh thu quảng cáo là thực tế tất yếu trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, đặc biệt là các mạng xã hội.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, có sự khác biệt rất lớn giữa quảng cáo trên các nền tảng số và truyền hình truyền thống. Đối với các nền tảng số, mỗi ngày có hàng trăm ngàn khách hàng sẵn sàng bỏ chi phí quảng cáo, dù nhỏ nhưng cộng lại là một con số lớn. Trong khi đó, khách hàng của truyền hình đa phần là khách hàng lớn.
“Tuy nhiên, do phân khúc các nhãn hàng nhỏ tăng trưởng nhiều nên dễ cảm thấy quảng cáo truyền thống thu nhỏ lại. Đa phần các nhãn hàng lớn không bỏ quá nhiều chi phí sang lĩnh vực số”, ông Thanh cho biết.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Phương Chi, Giám đốc bản quyền Công ty Truyền thông Thế hệ mới (Next Media) cũng cho rằng: “Chúng ta nhìn thấy sự dịch chuyển về ngân sách, hình thức quảng cáo. Tuy nhiên, quảng cáo truyền thống vẫn luôn nhận được tỷ trọng ngân sách cao nhất trong bất kỳ chiến dịch nào”.
Ông Long Thủy cũng phân tích thêm, quảng cáo trên truyền hình thường đánh vào toàn bộ thị trường, trong khi quảng cáo số đi theo hướng đánh trực tiếp vào khách hàng mục tiêu, là người cần mua, cần xem.
Ca sĩ mặt nạ tổ chức đêm nhạc trực tiếp, gia tăng trải nghiệm cho khán giả. Ảnh: VieON |
Nội dung có còn là vua?
“Content is King” (nội dung là vua) là khái niệm được nhắc đến từ nhiều năm qua. Bà Phương Chi cũng nhấn mạnh, nội dung nếu không mang lại giá trị về tinh thần, cảm xúc sẽ không tạo ra giá trị thương mại cho bất cứ bên nào. Nhưng trong bối cảnh công nghệ phát triển rất nhanh như hiện nay, mối quan hệ công nghệ - nội dung cần được xem xét.
Cả ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, và ông Jack Nguyễn (Giám đốc cấp cao quản lý khu vực Đông Nam Á của Insider) đều đồng quan điểm khi cho rằng “nội dung vẫn là vua và công nghệ là nữ hoàng”. Theo đó, các nền tảng chính là công cụ, là nơi thu thập thông tin, phân phối nội dung một cách nhanh, rẻ đến với khán giả. Nhưng đồng thời, chính công cụ này đang tạo ra số lượng lớn các nhà làm nội dung, khiến cuộc cạnh tranh trở nên hấp dẫn hơn.
Vì nhìn nhận công nghệ như một phương tiện nên tùy từng nền tảng khác nhau cần có cách thức đóng gói nội dung riêng để chuyển tải. “Sử dụng các mạng xã hội là cách để hiểu chân dung khán giả. Biết họ thích nội dung gì sẽ có thể lên kế hoạch xây dựng phù hợp với thị hiếu đó. Sử dụng công nghệ thông minh cũng sẽ đưa họ trở lại với OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem qua Internet) cũng như truyền hình truyền thống”, ông Long Thủy chia sẻ.
Còn theo ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số (VTVDigital), quan hệ giữa nội dung - công nghệ là sự cộng sinh cần thiết. Tuy nhiên, cả nội dung và công nghệ là những mảnh ghép với đích đến cuối cùng là khán giả.
“Nếu không có khán giả, chúng ta sẽ phục vụ ai? Nếu muốn phủ nhanh đến khán giả, phải đưa nội dung lên các nền tảng có sẵn. Tuy nhiên, nếu đơn thuần chỉ đưa nội dung lên mà không phân tích, không hiểu khán giả và tăng thêm dữ liệu về họ thì mãi mãi không thể phát triển. Trong tương lai dữ liệu khán giả sẽ quyết định quá trình sản xuất như thế nào”, ông Phạm Anh Chiến nói. Việc hiểu khán giả, nói như ông Long Thủy, còn phải nghiên cứu cả lý do vì sao họ không muốn ở lại với các sản phẩm của mình.
Trong câu chuyện liên quan đến khán giả, có hai yếu tố rất quan trọng là trải nghiệm và thị hiếu. Trải nghiệm của khán giả là điều tối quan trọng ở cả phương diện nội dung và công nghệ. Càng gia tăng trải nghiệm cho khán giả ở mức thoải mái nhất, càng tạo nên hiệu quả và sức hút.
Ông Long Thủy lấy dẫn chứng chương trình Ca sĩ mặt nạ, ngoài mang đến cho khán giả nội dung trên các nền tảng số, truyền hình, OTT, việc tổ chức sự kiện đặc biệt ngoài trời góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm.
Còn ông Phạm Anh Chiến cho rằng, việc nghiên cứu khán giả không đồng nghĩa hoàn toàn đi theo những gì họ mong muốn và để họ dẫn dắt. Để hiểu thị hiếu khán giả, cách tiêu thụ thông tin của khán giả thì bài toán nội dung và công nghệ luôn song hành.