Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo, nhấn mạnh tinh thần của Đề án nhằm phục vụ nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, đưa đất nước phát triển bền vững. Đánh giá cao các ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo thể hiện trách nhiệm, trí tuệ và kinh nghiệm công tác, Chủ tịch nước khẳng định tầm quan trọng của Đề án thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhằm phụng sự nhân dân tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Vì vậy, việc xây dựng Đề án cần có phương pháp tiếp cận khoa học, tầm nhìn dài hạn đến năm 2045 và đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Giao Thường trực Ban chỉ đạo tập hợp đầy đủ các ý kiến góp ý tại phiên họp, Chủ tịch nước cũng mong muốn các thành viên Ban chỉ đạo góp ý trực tiếp vào các vấn đề được đưa ra; đánh giá khách quan, đúng mức tình hình thực tiễn.
Về kế hoạch xây dựng Đề án, Chủ tịch nước ghi nhận các ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung nghiên cứu nhưng cần có nhiều đổi mới, không phải “bổn cũ chép lại” và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chủ tịch nước nêu rõ quan điểm xây dựng Đề án, phát huy chủ trương của Đảng, xây dựng chính sách, pháp luật có tính khả thi cao trong thực tế.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng lưu ý các cơ quan liên quan mời các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham gia trong quá trình xây dựng Đề án để Đề án có chất lượng tốt nhất. Về mốc thời gian nghiên cứu, qua các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước cho rằng, lựa chọn mốc thời gian từ 1991 đến nay là phù hợp, song trong từng chuyên đề thành phần có thể lựa chọn mốc thời gian nghiên cứu linh hoạt, phù hợp. Các chuyên đề cần có tính hệ thống, có yếu tố đổi mới, đột phá với những bước đi vững chắc, thuyết phục được các cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó là khắc phục tư duy cục bộ, tư duy ngành trong quá trình nghiên cứu.
Nhấn mạnh tiến độ xây dựng Đề án cần báo cáo Trung ương vào tháng 10-2022, Chủ tịch nước yêu cầu các chuyên đề phải đảm bảo tiến độ, chất lượng và cơ sở lý luận cao. Chủ tịch nước mong muốn các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập và các cơ quan được phân công dành thời gian nghiên cứu, tổng hợp đúng thời hạn Ban Chấp hành Trung ương đã giao.