Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) vừa tổ chức hội thảo “Xây dựng nguồn nhân lực ngành nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. Các đại biểu cùng trao đổi các nội dung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng bối cảnh công nghệ 4.0 và chuyển đổi số (CĐS). Qua hội thảo, SAWACO hướng đến giải quyết các vấn đề thách thức với nguồn nhân lực như xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2020-2030; chú trọng nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của cán bộ lãnh đạo và chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ công nhân ngành cấp nước.
Phó Tổng Giám đốc SAWACO Nguyễn Thanh Sử phát biểu khai mạc hội thảo |
Chuyển đổi số, không ai bị bỏ lại phía sau
Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ về những thay đổi, thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này đặt ra yêu cầu, lựa chọn đối với người lao động. Các đại biểu đã thảo luận về chân dung người lãnh đạo ngành nước sẵn sàng đón nhận công nghệ mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo, trân trọng giá trị của mỗi nhân viên. Ngoài ra, nhiều nội dung về yêu cầu tạo môi trường làm việc bình đẳng, linh hoạt, chú trọng sức khỏe, xây dựng sự tin tưởng, gắn bó chặt chẽ nhân viên cũng được bàn luận.
Theo ThS Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn tái cấu trúc và chuyển đổi số Dr. SME, các doanh nghiệp khi áp dụng công nghệ 4.0 và thực hiện CĐS sẽ đối mặt với một số vấn đề lớn, ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động và vận hành của doanh nghiệp. Đứng trước những thách thức không thể tránh khỏi, nhân lực trong doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi cách thức, kỹ năng, phương pháp cũng như văn hóa làm việc. “Hiện nay, tại nhiều doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi nhân lực truyền thống sang nhân lực số chưa được chú trọng. Khi không được hỗ trợ và định hướng, nhân viên sẽ ngần ngại thay đổi trong CĐS”, ông Vũ Tuấn Anh nhận xét.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Talentnet, cho rằng, để khơi dậy sức mạnh của đội nhóm, nhân tài, những nhà quản lý cấp cao cần thay đổi một cách tổng thể từ cách tổ chức công việc, môi trường làm việc và cách lãnh đạo nhân tài. Sự thay đổi lớn này cần bắt đầu từ việc thay đổi chính bản thân người lãnh đạo. Chỉ có như vậy, đội ngũ nhân tài của công ty mới chuyển đổi từ thụ động và ỷ lại sang sáng tạo và thích ứng trong bối cảnh mới.
Phó Tổng Giám đốc SAWACO Nguyễn Văn Đắng thông tin, với khẩu hiệu “Không để ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số”, SAWACO sẽ đồng hành hỗ trợ tất cả cán bộ, nhân viên trong quá trình CĐS, tuy nhiên điều này rất cần sự nỗ lực của người lao động. “Đây là cách tiếp cận rất nhân văn nhưng cũng vô cùng hiệu quả trong kinh doanh và sẽ là động lực mạnh mẽ giúp hoàn thiện nhân lực trong CĐS. Khi nhân viên CĐS thành công, họ sẽ là động lực kiến tạo doanh nghiệp phát triển”, ông Nguyễn Văn Đắng chia sẻ.
Theo ông Đắng, lý do triết lý đó được đưa ra khi toàn bộ Ban lãnh đạo Tổng công ty nhận thức và quyết định nhân lực là chìa khóa giúp cho SAWACO thành công trong quá khứ và nhất định sẽ vẫn là chìa khóa thành công cho đơn vị trong tương lai. “Trái ngược với nhiều doanh nghiệp và tổ chức bắt đầu CĐS bằng công nghệ, SAWACO bắt đầu CĐS thông qua con người với cách tiếp cận “Nhận thức - Thay đổi - Hành động và Tăng tốc” trong suốt 3 năm qua”, ông Đắng cho biết thêm.
Các đại biểu tham gia tọa đàm thảo luận các vấn đề về nguồn nhân lực thời kỳ 4.0 |
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ SAWACO lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực Tổng công ty giai đoạn 2020-2030; chú trọng nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của cán bộ lãnh đạo trên cơ sở chiến lược nhân sự lâu dài gắn với quy hoạch cán bộ; chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ công nhân ngành cấp nước yêu ngành, lành nghề”.
Theo ông Nguyễn Văn Đắng, SAWACO bắt đầu CĐS bằng các chương trình hội thảo, đào tạo cũng như các dự án nhỏ nghiên cứu vấn đề này tại Tổng công ty và các công ty thành viên. Các khởi động bắt đầu từ những vấn đề nảy sinh trong quá trình vận hành.
Cụ thể, đầu năm 2020, SAWACO tiến hành các chương trình hội thảo, kết nối chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu, công ty tư vấn cũng như các giám đốc điều hành có nhiều kinh nghiệm trong CĐS. Giai đoạn thay đổi kết thúc bằng chương trình đào tạo CĐS cho tất cả gần 300 lãnh đạo các cấp trong đơn vị. Sau đó, SAWACO chuyển sang giai đoạn hành động thông qua các chương trình ký kết với FPT, VNPT, Vietel, QTSC. Và từ năm 2022 trở đi là chương trình tăng tốc giúp toàn bộ nhân lực của ngành cấp nước thích nghi với môi trường số.
Để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, SAWACO đã xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, trong đó đã thực hiện nhiều giải pháp, chính sách nhằm thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách toàn diện và đồng bộ.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV SAWACO Dương Hồng Nhân (thứ 3 bên trái) tặng hoa cảm ơn các diễn giả |
Theo Phó Tổng Giám đốc SAWACO Nguyễn Thanh Sử, với doanh nghiệp, nguồn nhân lực luôn quan trọng, đặc biệt là nhân lực giỏi, có chuyên môn cao và đạo đức, tác phong làm việc. Đó là tài sản vô cùng quý giá doanh nghiệp có được.
“Nhưng làm thế nào để giữ chân những nhân viên giỏi, tận hiến vì doanh nghiệp; làm thế nào để thu hút những con người giỏi đến với doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện, bồi dưỡng đào tạo những thế hệ nòng cốt kế cận nhằm tiếp bước sự nghiệp phát triển của ngành cấp nước. Đó là vấn đề mà lãnh đạo SAWACO luôn quan tâm, coi trọng”, ông Nguyễn Thanh Sử trăn trở.
Ông Nguyễn Thanh Sử bày tỏ, với những vấn đề được đặt ra, có thể khẳng định việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là công việc hết sức khó khăn, lâu dài, cần được thực hiện bằng nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Mỗi giải pháp có vai trò riêng và hướng đến giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Hội thảo đã giúp định hướng lại đúng và đủ các giải pháp để có thể triển khai thực hiện trong thời gian tới. Để từ đó góp phần khắc phục được những tồn tại, hạn chế về công tác nguồn nhân lực hiện nay và xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của tổng công ty.
Việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ được coi là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định, lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng công ty cần phải quy hoạch cụ thể hơn về cơ cấu nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh và năng suất lao động.