Xây dựng nếp sống văn minh đô thị: Những gam màu chưa sáng

Chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” đã được triển khai gần 1 năm qua tại TPHCM. Bên cạnh những chuyển biến thì “vấn nạn” từ karaoke, loa kẹo kéo, rác thải, quảng cáo rao vặt… vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Vứt rác vô tội vạ từ chung cư xuống đất. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Vứt rác vô tội vạ từ chung cư xuống đất. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Xả rác bừa bãi

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại TPHCM, rác thải bủa vây ở vỉa hè, bồn cây, miệng cống... trên một số tuyến đường như: Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh); Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức); Trường Sa (quận 3); đường 3 Tháng 2 (quận 10)… Riêng đoạn kênh gần cầu Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), mặt kênh ngổn ngang thùng xốp, túi ni lông, vỏ chai nhựa… Một số khu vực như hầm chui cầu Điện Biên Phủ, cầu Bùi Hữu Nghĩa, cầu Bông, cầu Hoàng Hoa Thám… người dân vô tư vứt rác, phóng uế bừa bãi. Tại khu vực Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), Khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức)… rác vẫn bị lén vứt vô tội vạ.

Tại giao lộ Tô Hiệu - Lý Thánh Tông (quận Tân Phú), vào các buổi tối, lợi dụng lúc vắng người, một số người thiếu ý thức chở rác đến đổ trên vỉa hè. Xung quanh công trường một số dự án các căn hộ đang xây, là rác thải sinh hoạt của người dân đổ ra. Đất đá, xi măng công trình đổ ra và người dân cũng đổ theo, từ rác thải sinh hoạt đến rác thải “khủng” như chăn gối, nệm, ghế… 

Bên cạnh tình trạng rác thải, dọc theo các con đường như Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Thị Sáu (quận 3); đường 3 Tháng 2 (quận 10); Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh); Trường Chinh (quận Tân Bình)… rất nhiều trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh bị phủ đầy tờ rơi.

“Chuyện lén lút dán tờ rơi, quảng cáo ở mấy cột điện vẫn đầy ra đó, có thấy ai nhắc nhở gì đâu. Các đội nhóm thanh niên tới gỡ, rồi tuần sau lại y như cũ. Tôi đi trên đường Phạm Văn Đồng, người ta vẫn phát tờ rơi tràn lan, chen ra cả ngoài đường. Ngã  ba, ngã tư nào cũng thấy cảnh người dân nhận xong rồi quăng tờ rơi xuống đất…”, anh Nguyễn Anh Đức (35 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) than thở.

Ở quận 4, địa bàn nhiều hẻm hóc, một số chợ tạm phát sinh nên tình hình vệ sinh môi trường, trật tự lòng lề đường, quảng cáo rao vặt còn phức tạp… Nhiều hộ dân buôn bán lấn chiếm lòng lề đường Tôn Thất Thuyết, Tôn Đản, Vĩnh Hội, Khánh Hội… Theo UBND quận, trong 6 tháng đầu năm có xử lý 6 trường hợp gây mất vệ sinh môi trường, 63 trường hợp gây mất trật tự lòng lề đường. 

Có quy định nhưng khó xử?

Chuyện dựng rạp, kê bàn ghế chiếm vỉa hè, lòng đường, hát karaoke dùng loa công suất lớn gây ồn ào… dù nhiều người dân bức xúc, báo chí cũng lên tiếng và đã được quy định vào các hương ước, quy ước của không ít khu phố trong “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” nhưng thực tế chưa xử lý được.

Ông Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, cho biết quy định của luật hiện hành về xử lý hành vi ô nhiễm tiếng ồn đã đầy đủ, chặt chẽ, thậm chí là nghiêm khắc. Về xử lý tiếng ồn, hành vi vi phạm có thể bị xử phạt từ 1 triệu đến 160 triệu đồng. Trong trường hợp đặc biệt, tùy mức độ, từ 130 đến 150 triệu đồng.

“Vấn đề xử lý hành vi hát karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn, trực tiếp nhất là UBND phường, công chức phường được phân công. Qua thông báo, đề nghị của người dân, UBND phường có thể cử lực lượng chức năng xuống gồm công an, công chức của phường phụ trách mảng đó, cộng với hương ước, quy ước là đã xử lý được. Vấn đề ở đây không phải là thiếu quy định của pháp luật mà là thiếu sự quyết tâm của lực lượng chức năng”, ông Tăng Hữu Phong nói. 

Rõ ràng, việc đo tiếng ồn chỉ diễn ra với các loại tiếng ồn công nghiệp, kéo dài khiến cộng đồng dân cư xung quanh không chịu nổi phải đề nghị UBND phường, UBND quận hình thành đoàn kiểm tra xuống giám sát, đem máy xuống đo và xử phạt; còn việc xử phạt tiếng ồn do karaoke và loa kẹo kéo trên thực tế vẫn khó với địa phương.

Theo bà Nguyễn Thùy Trinh, nguyên Chủ tịch UBND phường 4 quận 4, tình trạng hát karaoke công suất lớn trên phường xảy ra rất nhiều, khó dứt điểm. Vẫn khó xử phạt vì khi ra một quyết định xử phạt phải có căn cứ pháp lý, mà hát kiểu karaoke như ở nhà dân thì lại không đo được tiếng ồn. Chúng tôi đã nghiên cứu, vận dụng các quy định nhưng chưa khớp, khó xử lý”, bà Trinh nói.  

Theo Sở VH-TT TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, Đoàn 1 - Kiểm tra liên ngành VH-XH thành phố kiểm tra 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân theo quy định. Đối với công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, đã nhắc nhở 1.586 trường hợp vi phạm, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1.353 trường hợp. Những con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với những gì thực tế đang diễn ra.

Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), đập vào mắt là những hộp xốp, chai nước, ly nước uống dở, túi ni lông… nằm lăn lóc dưới gốc cây, trên ghế. Ngay cả công viên - nơi thư giãn, tập thể dục của người dân thì vẫn có nhiều nhóm người tụ tập ăn uống, xả rác. Công viên 23-9 (quận 1) tập trung nhiều khách, xe bán hàng rong và sau khi hàng rong rời đi, rác thải ở lại.

Tại Công viên Tao Đàn, Công viên Lê Văn Tám… không khó để bắt gặp hình ảnh vỏ chai nhựa, ly nước uống… bị bỏ lại trên ghế đá. Anh Trần Văn Thông (nhân viên y tế Bệnh viện Ung bướu TPHCM) bức xúc: “Nhiều khi không biết phải làm gì với những người vứt rác trên đường. Phải gọi vào số điện thoại, đường dây nóng nào để báo cáo và rồi có xử được không?”.

Tin cùng chuyên mục