Hơn 1,1 ngàn tỷ đồng làm đẹp đô thị
Ngày thứ bảy hàng tuần, người dân trên địa bàn TP Dĩ An lại sôi nổi ra quân dọn dẹp các tuyến phố, phân loại rác, chăm sóc cây xanh trên hầu hết ngõ hẻm, góp phần xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp, người dân hình thành nếp sống văn minh nơi mình sinh sống. Ông Trần Văn Ngà (47 tuổi, ngụ phường Tân Bình) chia sẻ: “Sau khi thành phố phát động ra quân trồng cây xanh và vệ sinh đường phố, nhà nào cũng có ít nhất 1 thành viên tham gia thực hiện “Ngày thứ bảy văn minh”, hình thành các tổ nhóm, đến hẹn lại lên đều gặp nhau vào sáng cuối tuần để cùng nhau làm đẹp phố phường, cùng nhau tuyên truyền xây dựng thành phố hiện đại, nghĩa tình”. Hiện ở tất cả các xã, phường trên địa bàn tỉnh Bình Dương, phong trào thực hiện “Ngày thứ bảy văn minh” đã trở thành hoạt động thường xuyên và từng bước hình thành nếp sống vì cộng đồng của nhân dân trên địa bàn.
Thực hiện Đề án 02, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Chỉ thị số 16/CT -UBND, từ đó đã hình thành nhiều mô hình mới, gần gũi và dễ thực hiện, dễ giám sát. Các xã, phường, thị trấn đã đăng ký và thực hiện xây dựng các tuyến đường, tuyến hẻm kiểu mẫu, trồng và chăm sóc cây xanh, hoa trên các tuyến đường, vận động kinh phí xã hội hóa và đóng góp của nhân dân trang bị đèn chiếu sáng, lắp camera an ninh, bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến hẻm; thực hiện nạo vét, xây kè, phát quang cây bụi các sông, suối, kênh, rạch; đóng góp ngày công, hiến đất, các công trình trên đất,... với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,1 ngàn tỷ đồng. Nổi bật như TP Dĩ An tổ chức hội thi “Tuyến phố đẹp, văn minh” với 41/41 khu phố trên địa bàn đăng ký tham gia, tiếp tục duy trì 9 tuyến đường “Vỉa hè sạch, góc phố đẹp”. Huyện Bàu Bàng triển khai thực hiện được 108 “Tuyến đường kiểu mẫu”; xây dựng, chỉnh trang 43/43 văn phòng khu phố đạt tiêu chí theo quy định. TP Thuận An vận động trải nhựa 1 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 450m, lắp đặt 12 cống thoát nước, dặm vá một số đoạn đường giao thông nông thôn, hình thành được 25 tuyến đường hoa, cải tạo nâng cấp vỉa hè.
Đến nay, trên địa bàn Bình Dương đã hình thành nhiều mô hình, tuyến đường như “Chuông báo động điện tử gắn với camera an ninh trong khu dân cư”, “Khu dân cư tự quản về phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự”, “Tuyến đường văn minh đô thị do Mặt trận chủ trì - Nhân dân tự quản”, “Khu phố, ấp không rác”… Ngoài ra, thực hiện đường bản đồ gốm sứ dài hơn 1.000m với 80 bản đồ gốm sứ 63 tỉnh, thành của TP Tân Uyên; mô hình Con đường bích họa ở TP Dĩ An… từng bước xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển hài hòa theo hướng văn minh, hiện đại.
Mở rộng đối tượng vận động
Theo Ban Chỉ đạo Đề án 02, những chuyển biến tích cực trong giai đoạn đầu triển khai thể hiện sự vào cuộc sâu sát của Thường trực Ban Chỉ đạo và sự đồng bộ của các huyện, thành phố, nhất là các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác quan trọng này, cần phải đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị, đối tượng; quan tâm hơn đến đối tượng là doanh nghiệp, người dân từ các địa phương khác đang sinh sống tại các khu nhà trọ, nhà ở xã hội. Đặc biệt, cơ quan chức năng triển khai sâu rộng chương trình “Ngày thứ bảy văn minh”, với các phần việc cụ thể ở tất cả các xã, phường.
Đáng chú ý, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh kịp thời bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc triển khai thực hiện đề án và ban hành chế độ chính sách hỗ trợ Tổ quản lý đô thị - môi trường; triển khai kế hoạch phân loại rác và chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xây dựng cơ chế ghi nhận, kênh tiếp nhận phản ánh các hành vi vi phạm về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, có biện pháp chế tài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Quan tâm đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa và phân cấp quản lý, sử dụng hiệu quả để phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.
Theo ông Bùi Thanh Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương, để tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy về chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thiết yếu các khu dân cư trong đô thị và nông thôn đến năm 2030, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh; triển khai nghị quyết chỉnh trang, phát triển đô thị TP Dĩ An, TP Thuận An đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Đề án cây xanh đô thị; chuyển đổi số; phân loại rác tại nguồn…