Xây dựng nền tảng pháp lý để hỗ trợ văn học phát triển

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh: Văn học là trụ cột của đời sống tinh thần, góp phần định hình bản sắc văn hóa dân tộc và phản ánh giá trị xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc để thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển bền vững là nhiệm vụ chiến lược, cấp thiết.

Khơi thông nguồn lực, tạo động lực sáng tạo

Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học được xây dựng với 7 chương và 34 điều, kỳ vọng sẽ tạo ra một bước đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nghị định này không chỉ kế thừa những chính sách đã có, mà còn bổ sung và điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn mới, nhằm khơi thông nguồn lực và tạo động lực sáng tạo cho các nhà văn. Một điểm nhấn của dự thảo là đề xuất cơ chế tài trợ và đặt hàng sáng tác, nhằm tạo điều kiện cho các nhà văn theo đuổi những đề tài lớn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Cần quy định rõ và chi tiết những vấn đề để huy động được nguồn lực của Nhà nước vào phát triển văn học”. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc xây dựng một cơ chế tài chính minh bạch và hiệu quả, nhằm hỗ trợ các nhà văn trong quá trình sáng tạo.

G6a.jpg
Lựa chọn sách văn học cho con tại phố sách Hà Nội

Một trong những vấn đề đòi hỏi có sự thay đổi trong đầu tư sáng tác hiện nay được nhắc đến nhiều là việc đổi mới phương thức tổ chức các trại sáng tác. Nhà văn Đặng Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, đã chỉ ra một số bất cập: “Đi một, hai ngày thì không thể gọi là trại sáng tác, đó là đi du lịch, cưỡi ngựa xem hoa. Cần phải có những chuyến đi thực tế dài ngày để các tác giả có thể đầu tư chiều sâu vào tác phẩm”. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quy chế tuyển chọn trại viên, yêu cầu đảm bảo chất lượng tác phẩm.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Xã hội của Quốc hội, đề xuất cần có chính sách khuyến khích khai thác các đề tài về lịch sử, chiến tranh cách mạng và văn hóa dân tộc, đồng thời sử dụng công nghệ để hỗ trợ sáng tạo và lan tỏa tác phẩm văn học. Ông cũng đề cập đến vấn đề nên chăng có sự đầu tư toàn diện vào văn học, không chỉ tài chính mà còn về cơ sở vật chất và nhân lực. Khi các điều chỉnh được thực hiện đồng bộ và có sự tham gia của toàn xã hội, văn học mới có thể phát triển bền vững.

Sẽ có Giải thưởng văn học quốc gia?

Ý tưởng về việc cần có Giải thưởng văn học quốc gia không mới, nhưng với dự thảo lần này, nó lại được nhắc đến nhiều hơn. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ: “Giải thưởng này sẽ có tác động lớn đến đời sống văn học nước nhà, khuyến khích các nhà văn, nhà thơ sáng tác”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, Giải thưởng văn học quốc gia có nguy cơ rơi vào tình trạng như nhiều giải thưởng văn học khác hiện nay, là không đến được với công chúng. Bởi thực tế không ít tác phẩm dù đạt được các giải thưởng danh giá trong nước nhưng sách lại nằm “ế” trên các kệ sách, không được bạn đọc quan tâm. Đây là một vấn đề không nhỏ, khi mục tiêu của giải thưởng không chỉ là công nhận tài năng, mà còn là đưa các tác phẩm văn học đến với rộng rãi công chúng, giúp tăng cường sự hiểu biết và yêu mến văn hóa dân tộc.

“Mục tiêu của Giải thưởng văn học quốc gia không chỉ là vinh danh tác phẩm xuất sắc, mà quan trọng hơn, làm sao để các tác phẩm này tiếp cận được độc giả, được yêu thích và phổ biến rộng rãi”, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ.

Thực tế, một tác phẩm văn học xuất sắc cần phải có nhiều yếu tố để có thể phát triển bền vững, từ sự hỗ trợ của các nhà xuất bản, các cơ quan truyền thông, cho đến sự quan tâm của công chúng. Việc có các giải thưởng lớn không đủ để đảm bảo rằng tác phẩm sẽ thành công nếu thiếu đi một chiến lược phát hành và quảng bá đúng đắn. Chính vì vậy, các giải thưởng văn học không chỉ nên tập trung vào việc vinh danh các tác phẩm mà còn phải đảm bảo rằng tác phẩm đó sẽ được đưa đến tay độc giả một cách hiệu quả.

Điều này cũng liên quan đến việc phát triển hệ sinh thái văn học, nơi mà mỗi tác phẩm có thể được nuôi dưỡng, phát triển và tiếp cận với đông đảo độc giả thông qua các kênh truyền thông hiện đại, từ việc xuất bản, giới thiệu qua các hội thảo, đến việc phát hành trên các nền tảng kỹ thuật số. Nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ và kết nối với công chúng, các giải thưởng văn học dù có giá trị đến đâu, sẽ khó có thể thực hiện được mục tiêu nâng cao giá trị văn hóa và phát triển nền văn học Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục