Ngày 21-9, Ban chỉ đạo Trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết giai đoạn 2000-2018 với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và đông đảo đại biểu tại các điểm cầu trên cả nước.
Tại đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những giải pháp trọng tâm, nhằm vận động nhân dân phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đẩy lùi tệ nạn xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xây dựng làng, thôn, bản, ấp, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa và gia đình ấm no, hạnh phúc. Phong trào ra đời như một luồng gió mới, đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, trở thành một phong trào tổng hợp gắn kết chặt chẽ các ngành, lĩnh vực, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và tự nguyện thực hiện. Bên cạnh những thành quả quan trọng đạt được, quá trình triển khai thực hiện phong trào cũng đang gặp nhiều thách thức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đã chỉ rõ những khó khăn, đó là sự gia tăng của tệ nạn xã hội; đạo đức xã hội có nhiều biểu hiện xuống cấp; các danh hiệu văn hóa nhiều nơi còn rất hình thức; nhiều địa phương trong quá trình phát triển thường chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất mà chưa quan tâm đến vấn đề “căn cốt” là văn hóa…
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao những thành tựu đạt được.
Thủ tướng nhấn mạnh, từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 18 năm qua, phong trào đã thực sự trở thành cuộc vận động văn hóa lớn, nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Năm 2017, đã công nhận hơn 19 triệu gia đình văn hóa, cả nước đã có trên 1,2 triệu tấm gương người tốt, việc tốt; công nhận hơn 69.000 làng, thôn, ấp, bản, buôn, tổ dân phố văn hóa; gần 3.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 38,9%) và 55 đơn vị cấp huyện được công nhận huyện nông thôn mới. Đây có thể coi là những hạt nhân, điểm sáng cần tiếp tục được nhân rộng…
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế trong lĩnh vực này. Trước hết là vấn đề nhận thức, nhiều nơi còn cho rằng việc thực hiện phong trào là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa, chứ không phải là của các cấp, các ngành, của cộng đồng, của toàn dân… Chất lượng danh hiệu văn hóa chưa cao, chưa đồng đều giữa các vùng miền và kết quả chưa thực sự bền vững. Vì vậy, bên cạnh quan tâm đến phát triển kinh tế thì cũng cần quan tâm vấn đề văn hóa.
Theo Thủ tướng, phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cả cấp độ quốc gia, địa phương, cơ sở, trong từng cộng đồng dân cư và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cần tôn vinh, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, cao thượng, nhân văn. Cần đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, trái đạo lý.
Thủ tướng đề nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cần xây dựng kế hoạch phối hợp các bộ, ngành trung ương và địa phương để triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của phong trào. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời cần thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư; phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa; có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo…