Nắm bắt thông tin, điều chỉnh hành vi không đúng
Đọc các tin về những vụ bạo hành, xâm hại học sinh, dư luận lo ngại khi có những bất an ở học đường. Nếu như hệ thống chính trị ở nhà trường và đội ngũ giáo viên quan tâm nắm bắt thông tin, điều chỉnh hành vi không đúng của đồng nghiệp, thì đã không xảy ra những chuyện đáng tiếc. Một giáo viên chủ nhiệm không thể không biết những gì đang diễn ra trong lớp học của mình. Giáo viên có thể cập nhật từ nhiều nguồn thông tin để biết học sinh nào vắng học, trốn tiết, có tâm trạng bất ổn, hay học sinh nào có dấu hiệu hiếp đáp bạn bè…
Cũng không quá khó để người quản lý tìm hiểu giáo viên mình dạy dỗ như thế nào, từ soạn - giảng - chấm - chữa. Phạm vi một lớp học, khối học, hay trường học không quá nhỏ, song cũng không quá lớn để bao quát, nếu như người dạy, người quản lý có thái độ quan tâm và trách nhiệm.
Bưng bít những việc xấu, chẳng khác gì tiếp tay cho tội ác. Nhà giáo phải đấu tranh cho lẽ phải, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho học trò thân yêu. Sự thờ ơ, cả nể, thiếu tinh thần trách nhiệm trong các cuộc hội họp ở trường học đang là nguyên nhân để những biểu hiện không tốt có cơ hội sinh sôi. Căn bệnh thành tích cũng là nỗi ám ảnh vô hình khiến những người đứng đầu trường học, cấp học e ngại tiết lộ những mặt trái, góc khuất của trường hay của giáo viên, học sinh trường mình.
Lớp học sẽ bình yên nếu như trong tiết dạy không chỉ có những con chữ, phép tính, mà còn có những bài học giáo dục lối sống và đạo đức làm người. Người đứng lớp không được tự cho mình buông thả bản thân, không được tự cho mình quyền uy tối thượng; và cấp quản lý không được lơ là, thờ ơ, thiếu trách nhiệm.
QUỲNH LÂM (Thành phố Huế)
Vai trò rất quan trọng của gia đình
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ việc bạo lực học đường, chủ yếu vẫn là do 3 môi trường giáo dục tác động là nhà trường, gia đình và xã hội. Với sai phạm của giáo viên, hẳn là do non yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kém về phẩm chất đạo đức. Với sai phạm của học sinh thì gia đình và dư luận thường đổ lỗi cho nhà trường chưa chú trọng giáo dục đạo đức cho các em, xem nhẹ việc hình thành nhân cách, chỉ lo dạy chữ chứ chưa chú trọng dạy trở thành người lương thiện, đạo đức gương mẫu.
Nhưng nói gì đi nữa vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ; nền nếp và truyền thống của gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách trẻ một cách tích cực. Do vậy, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm đến con cái, dành thời gian gần gũi con mình để phát hiện diễn biến tâm lý khác thường của con, kịp thời uốn nắn.
TRẦN VĂN TÁM (Huyện Củ Chi, TPHCM)
Không thể dạy trẻ nên người bằng bạo lực
Trong việc nuôi dạy trẻ, có phụ huynh, giáo viên không kiềm chế được bực tức nên nóng nảy mắng chửi “khủng bố” tinh thần trẻ, dùng bạo lực đòn roi. Đây chính là cách giáo dục rất sai lầm. Thậm chí có người khi say xỉn, nóng giận thì đánh đập con cái chỉ vì quen thói bạo hành. Tác hại của việc dùng bạo lực để dạy trẻ có nhiều mức độ. Nguy hiểm nhất là những trận đòn quá tay, những hình phạt khiến trẻ đau đớn, có thể đẩy trẻ đến thái độ lầm lì, sợ hãi, hoặc phản kháng. Hậu quả là trẻ có thể không vâng lời, quậy phá, có hành động bạo lực với bạn bè và mang theo tâm lý hằn thù khi lớn lên.
Trong trường hợp bị dạy dỗ bằng bạo lực, trẻ cần được can thiệp tâm lý, vì những ký ức xấu đó dễ sinh ra các phản ứng tâm lý tiêu cực khiến trẻ bị lệch lạc khi lớn lên. Đặc biệt, khi so chỉ số IQ của những trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh với những đứa trẻ khác, các nhà khoa học phát hiện ra rằng chúng có chỉ số IQ thấp hơn nhiều. Từ đó có thể thấy phương pháp giáo dục của cha mẹ không chỉ giúp hình thành nhân cách của trẻ, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và khả năng tư duy của não bộ. Trẻ bị bạo hành còn có nguy cơ bị stress, khủng hoảng tâm lý, luôn trong trạng thái căng thẳng, lo sợ.
Vì thế, hãy luôn lắng nghe, giải thích cho trẻ hiểu rõ những việc nào là đúng, việc nào là sai, để trẻ tự ý thức, chủ động nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm, tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ hiểu biết của trẻ. Hãy dùng tình thương, sự bao dung để khuyên răn, dạy bảo con trẻ; sự nghiêm khắc nhưng không bạo lực sẽ giúp trẻ nên người.
NGUYỄN THỊ LOAN (Học viện Thanh thiếu niên)