“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” - đó là khẩu hiệu và cũng là mục tiêu mà ngành giáo dục Việt Nam đang hướng tới trong việc tổ chức môi trường học đường trở nên nền nếp, thân thiện, lành mạnh; ở đó, học sinh được học tập, rèn luyện, trải nghiệm và vui chơi. Tiếc rằng, dù đã được chăm chút xây dựng, chấn chỉnh, nhưng môi trường học đường vẫn còn nhiều chuyện không vui.
Thời gian gần đây, trong nhà trường liên tiếp rộ lên những chuyện làm dư luận đau xót và lo ngại. Giáo viên, bảo mẫu bạo hành học sinh bằng những cách xâm hại thể chất và tinh thần, vi phạm pháp luật về quyền trẻ em nhưng không ý thức rằng đó là hành vi phạm pháp; có nơi đã từng xảy ra những vụ xâm hại tình dục trẻ em ngay tại nhà trường; giáo viên bị phụ huynh học sinh vào trường chửi mắng, hành hung gây thương tích, xúc phạm danh dự; hay chuyện học sinh đánh hội đồng bạn học vẫn cứ diễn ra. Những vụ việc đó không chỉ gây bất an trong nhà trường mà còn kéo theo sự xuống cấp đạo đức học đường và đạo đức xã hội.
Đáng lo, những chuyện đau xót đó không chỉ là những vụ việc lẻ tẻ, rất cá biệt ở một vài trường, mà đã lây lan trên diện rộng, đến mức bị xem lờn. Thí dụ như vừa khởi tố vụ một cô giáo dùng hình phạt buộc các học sinh tát bạn học, thì ở trường khác, địa phương khác, vẫn có một cô giáo khác áp dụng hình phạt tương tự với học trò.
Đã có tình trạng nhiều học sinh ham chơi, lười học, hỗn láo, nói tục, quậy phá, hay đánh nhau, lưu manh nhưng nhà trường không có biện pháp để uốn nắn, giáo dục. Tình trạng đó cũng gây ức chế cho giáo viên, dẫn đến những trường hợp bạo hành học sinh như là một cách phản ứng tiêu cực, hành xử thiếu sáng suốt.
Để cải cách cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, phải chỉnh đốn được đạo đức trong môi trường học đường, rất cần có thái độ dũng cảm và khoa học để phân tích những biểu hiện xuống cấp về đạo đức học đường, từ đó có giải pháp phù hợp. Trước tiên là phải tuyên truyền, phổ biến và thực thi nghiêm chỉnh pháp luật về quyền trẻ em, để trẻ em được phát triển toàn diện, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em... Kiên quyết loại ra khỏi ngành những trường hợp giáo viên thiếu trách nhiệm với trẻ em, thiếu hiểu biết luật pháp về quyền trẻ em và có các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Khoa học sư phạm hiện đại không chấp nhận việc dùng đòn roi trong giáo dục. Hành động bạo lực là đi ngược lại với quan điểm giáo dục của thế giới văn minh, vi phạm quyền con người. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, quan tâm giáo dục nhận thức để hạn chế tối đa việc giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Xây dựng hệ thống giáo dục đạo đức đạt hiệu quả cao theo chuẩn mực thống nhất từ mầm non đến phổ thông. Vun đắp lòng nhân ái, trung thực, tự trọng, hình thành nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, sống có kỷ luật, tạo được dấu ấn để tác động hình thành nhân cách học sinh.
Trẻ em rất mong manh, nhưng chưa được bảo vệ thật chu đáo và hiệu quả; Thậm chí ngay tại học đường cũng có những kẻ thiếu đạo đức và nhân cách, xem thường pháp luật, xâm hại trẻ em. Vì vậy rất cần sự quan tâm thật đầy đủ của từng trường học, từng địa phương và toàn xã hội, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, để trẻ em được bảo vệ an toàn hơn, có biện pháp phù hợp để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của nhà giáo và bảo đảm an ninh trật tự trong trường học. Các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm những trường hợp hành hung, xúc phạm danh dự nhà giáo.
Để khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thực sự trở thành hiện thực, để học sinh không phải chán nản, e sợ và ngán ngẩm khi đến trường, hãy xây dựng môi trường học đường thực sự nền nếp, lành mạnh, thân thiện. Có rất nhiều việc phải làm, vì không thể chỉ vận động, kêu gọi, chấn chỉnh là đủ; cũng không thể chỉ riêng ngành giáo dục có thể lo toan, xoay chuyển được tình thế.