Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp
SGGPO
UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn, trong đó xác định mục tiêu thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng.
Ngày 18-12, Sở Công Thương TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo chuyên đề “Kinh tế tuần hoàn – Mô hình phát triển bền vững cho doanh nghiệp TP Đà Nẵng”.
Trước thách thức tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhiều quốc gia và khu vực kinh tế trên thế giới đã thay đổi chiếc lược phát triển, hướng đến một nền kinh tế bền vững - nền kinh tế tuần hoàn. Tuy đạt được những thành quả về phát triển bền vững nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn, nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch cạn kiệt. Các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho tái chế. Vì thế, lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn là một tất yếu để thực hiện mục tiêu sản xuất, tiêu dùng bền vững, tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là nguyên vật liệu sản xuất.
TS. Lê Đức Viên, PGĐ Sở Công thương Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết, để hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên - năng lượng, ít carbon, vững mạnh và cạnh tranh. Ngoài ra, đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của của ngành khác, đồng thời, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu. Điều này phù hợp với những định hướng của thành phố trong thời gian tới.
“Thành phố mong muốn lắng nghe những góp ý, đề xuất cho việc định hướng, thúc đẩy sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và tiêu dùng bền vững, giai đoạn từ nay đến năm 2030, góp phần thúc đẩy tăng trường kinh tế ổn định và bền vững tại thành phố Đà Nẵng", Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay.
Đà Nẵng xác định mô hình kinh tế tuần hoàn là bước đi ban đầu cho một tương lai lâu dài của thành phố
Theo ông Hồ Văn Tuấn, Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng, nếu áp dụng triệt để "tư duy tuần hoàn” trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4,5 ngàn tỷ USD cho doanh nghiệp, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới, giúp doanh nghiệp giảm thiểu bớt các rủi ro đến từ việc khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên, cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp đón đầu chính sách khi các nhà lập pháp sẽ xây dựng thêm nhiều chính sách mới để định hướng hoạt động của doanh nghiệp theo chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững.
Đề cập đến những thách thức cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn ở Đà Nẵng, PGS.TS Đào Hữu Hòa, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, có một số rào cản khiến cho mô hình này chậm phát triển. Trong đó, thách thức đầu tiên liên quan đến lợi ích tài chính. Việc áp dụng mô hình này thường khiến các doanh nghiệp phải tốn thêm các chi phí ban đầu, điều này giảm khả năng cạnh tranh, giảm lợi nhuận. Ngoài ra, mô hình này còn có rào cản “cấu trúc”. Việc chuyển đổi cấu trúc tổ chức quản lý, điều hành doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn có thể dẫn đến rối loạn, rủi ro cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mô hình còn gặp thách thức về “hoạt động” thể hiện sự khó khăn trong việc giải quyết, kiểm soát quá trình trong chuỗi giá trị. Thách thức về công nghệ cũng là một trong những rào cản lớn đối với kinh tế tuần hoàn.
Thời gian tới sẽ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển từ sản xuất kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn
Đưa ra một số giải pháp cho việc xây dựng kinh tế tuần hoàn tại TP Đà Nẵng, PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đề xuất, thành phố cần xây dựng lộ trình chi tiết, rõ ràng cho quá trình chuyển đổi phát triển doanh nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn; xác định ưu tiên trong phát triển dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội. Ưu tiên trước hết là giảm thiểu chất thải nhựa và túi nilon phát thải ra môi trường và đưa vào quy hoạch, kế hoạch 5 năm (2021-2025). Ngoài ra, thành phố cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo mô hình này áp dụng công nghệ sạch; tái sử dụng, tái chế chất thải; trong đó, chất thải phải là nguồn tài nguyên xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. Bên cạnh đó, thành phố định hướng doanh nghiệp phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0. Đổi mới công nghệ là cốt lõi, là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.