Xây dựng các KCX-KCN mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... là những nội dung chính mà Hepza hướng tới trong tìm kiếm mô hình mới cho các KCX-KCN.
Sử dụng hiệu quả tài nguyên và nhân lực
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, bước đầu Hepza và các cơ quan chức năng xác định, trong thời gian tới, các KCX-KCN sẽ tập trung phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao, ngành công nghiệp đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lao động chất lượng cao, có tác động lan tỏa và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, Hepza và các cơ quan chuyên môn cũng đang nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư vào KCX-KCN. Theo đó, các cơ quan này đưa ra yêu cầu cần quy định điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố; hỗ trợ, khuyến khích chủ đầu tư các dự án có trình độ công nghệ cao mở rộng quy mô sản xuất.
Để xử lý các tồn tại, Hepza đề nghị đánh giá lại các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, lao động hiện hữu tại các KCX-KCN theo hướng hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ hoặc di dời; không xem xét gia hạn thời gian hoạt động hoặc mở rộng quy mô sản xuất của dự án này nếu doanh nghiệp không chuyển đổi công nghệ, giảm thâm dụng lao động. Thậm chí, các doanh nghiệp đầu tư KCX-KCN có thể mua lại đất, nhà xưởng của doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu để thu hút dự án mới có công nghệ tiên tiến hơn. Phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chỉ tiêu phát triển nhà xưởng cao tầng giai đoạn 5 năm 2021-2025 là 100.000m2.
KCX-KCN phải đảm bảo tỷ lệ cây xanh đạt quy chuẩn xây dựng hiện hành; hệ thống xử lý nước thải tập trung phải đảm bảo xử lý đạt chuẩn quy định, đồng thời xây dựng lộ trình nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định theo Quyết định phân vùng nguồn tiếp nhận nước thải từ năm 2021 trở đi của UBND TPHCM.
Ưu tiên nhà ở cho công nhân
Để giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân và quá tải hạ tầng xã hội trong khu vực có KCX-KCN hoạt động, Hepza đề xuất, đối với KCX-KCN hiện hữu (không có khu đô thị dân cư phục vụ KCX-KCN) cần rà lại quỹ đất sạch chưa khai thác để đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội đủ tiêu chuẩn. Trong đó, ưu tiên nhà lưu trú công nhân và trường mầm non để đáp ứng nhu cầu của công nhân; đồng thời nâng cấp, mở rộng và tận dụng các công trình tiện ích phục vụ người lao động hiện có của khu vực. Với KCX-KCN mới có quy hoạch khu dân cư phục vụ KCX-KCN (như KCN Tân Phú Trung, Đông Nam, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Lê Minh Xuân 3, Vĩnh Lộc mở rộng) thì tập trung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết vướng mắc về pháp lý để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Hiện tại, KCX-KCN được phân bổ khá đều ở tất cả các hướng của TPHCM. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khu vực phía Đông thành phố sẽ có nhiều thách thức hơn cả, bởi nơi đây đã có 4 KCX-KCN, gồm: KCX Linh Trung 1, KCX Linh Trung 2, KCN Bình Chiểu, KCN Cát Lái với tổng diện tích 284,87ha. Tỷ lệ lấp đầy đã là 100%. Chính vì vậy, để đạt được chỉ tiêu có 1.000-1.200ha đất công nghiệp được bố trí trong Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố, ngành chức năng sẽ phải tính toán rất sát sao. Theo nhiều chuyên gia, đây là bài toán khó, khi mà theo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch TP Thủ Đức vừa được phê duyệt, dân số nơi đây dự kiến tăng lên 600.000 người thay vì 300.000 người như quy hoạch trước đây. Dân số tăng lên, kéo theo nhu cầu sử dụng đất để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội… sẽ tăng. Trong bối cảnh đó, chắc chắn ngành chức năng sẽ phải tìm mô hình phát triển KCX-KCN phù hợp với thực tế để giải quyết được các bất cập hiện hữu và để phát triển bền vững.
TPHCM là đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam, nơi thí điểm mô hình KCX-KCN đầu tiên trên cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua tồn tại không ít khó khăn, thách thức, làm ảnh hưởng tới tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. Thực tế, có những KCX-KCN dù đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng, hành lang, hàng rào che chắn, khoảng cách an toàn, điều kiện mảng xanh, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Bên cạnh đó, việc quy hoạch KCX-KCN xen lẫn khu dân cư dẫn đến khoảng cách không an toàn, mất an ninh trật tự, rình rập nhiều mối nguy ngại gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Ý thức của một số doanh nghiệp chưa cao, vẫn còn tình trạng vi phạm về bảo vệ môi trường, xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, bố trí nhà máy chưa hợp lý, ảnh hưởng tiêu cực tới điều hòa không khí và cảnh quan của khu vực…
Đáng mừng, hiện nay TPHCM đã xác định phát triển KCX-KCN sinh thái là giải pháp để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Bởi môi trường KCX-KCN chính là môi trường sống của chính công nhân và khu dân cư gần đó. Nếu công nhân KCX-KCN khỏe thì chứng tỏ môi trường ở đây tốt, và khi công nhân khỏe mạnh về thế chất, tinh thần thì năng suất lao động sẽ tăng. Vì vậy, việc chuyển đổi từ mô hình KCN-KCX truyền thống sang sinh thái là hết sức cần thiết.
Theo nhiều chuyên gia, nhiều nước trong khu vực Asean đang nỗ lực thu hút đầu tư, đặc biệt FDI, nhằm phục hồi sản xuất. Ví dụ, tại Thái Lan, tổng nguồn cung các lô đất công nghiệp dịch vụ trong quý 1-2022 tăng 3,26% so với quý 4-2021. Tại Philippines, dịch vụ thuê đất, kho bãi… cũng tăng mạnh, nhất là từ quý 2-2022. Do đó, những bất cập còn tồn tại trong các KCX-KCN tại TPHCM cần sớm được giải quyết, nếu không muốn để mất cơ hội thu hút đầu tư. |