Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM cho biết, trong văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đã ghi rõ "Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố học tập, một trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á". Số liệu khảo sát về thời gian học tập trung bình của người dân Việt Nam từ 7 tuổi trở lên đã có sự tiến bộ đáng kể từ 7,37 năm (vào thời điểm năm 2004) tăng lên 9,68 năm (năm 2017).
Bà Lê Minh Ngọc trình bày các giải pháp xây dựng thành phố học tập
Tuy nhiên, theo TS. Hồ Thiệu Hùng, nếu căn cứ trên tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam là 75 tuổi thì tổng thời gian học tập chỉ chiếm 10%. Đây là mức đầu tư cho học tập còn quá ít ỏi. Theo chuyên gia này, để thực hiện mục tiêu học tập suốt đời, mỗi người dân cần trải qua 3 giai đoạn học tập gồm: giai đoạn học khi đến trường (từ 1-15/20 tuổi), giai đoạn học khi làm việc (từ 20-55/60 tuổi) và giai đoạn học khi nghỉ hưu (từ 55/60 tuổi - cuối đời). Trong đó, mỗi người dân cần thay đổi nhận thức về học tập, học không chỉ để cung cấp về kiến thức mà còn nhằm nâng cao năng lực với nhiều kỹ năng như tự học, làm việc và giao tiếp. Để thực hiện mục tiêu này, cần có sự quyết tâm chính trị cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và sự quan tâm, nỗ lực của mỗi cá nhân, gia đình.
Ở khía cạnh khác, bà Lê Minh Ngọc, Phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học TP cho rằng, để huy động được toàn nguồn lực xã hội tham gia xây dựng "xã hội học tập" cần vai trò nhạc trưởng của Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp, sự phối hợp tham gia của các cấp ủy Đảng, UBND, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Trong đó, toàn bộ hệ thống thiết chế giáo dục phải vào cuộc, hoàn thiện hệ thống giáo dục chính quy song song với phát triển các thết chế giáo dục ngoài nhà trường (gồm hệ thống các nhà văn hóa, trường cán bộ quản lý, trường bồi dưỡng chính trị, câu lạc bộ nghề nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng...). Để vận hành mô hình xã hội học tập, xây dựng thành phố học tập, toàn TP phải xây dựng mô hình giáo dục mở, xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, có cơ chế, chính sách để ngành giáo dục hoạt động có hiệu quả và thông suốt.
Theo nhiều đại biểu, hiện nay còn tình trạng người học để có bằng, học mang tính đối phó nhằm đạt yêu cầu chuẩn hóa trong đội ngũ cán bộ, công chức. Để xây dựng thành phố học tập, người cán bộ, công chức của TP phải gương mẫu đi đầu trong xây dựng phong trào học tập suốt đời. Học để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn hội nhập chứ không phải học chỉ để có bằng.
TS. Hồ Thiệu Hùng phát biểu tại hội thảo
Cụ thể, theo PGS.TS Ngô Minh Oanh, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, hiện nay đang có sự lệch lạc trong nhận thức về động cơ và mục tiêu học tập của một bộ phận người học. Nhiều gia đình khi con đi học về, câu hỏi đầu tiên là "Hôm nay con được mấy điểm?". Nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang khi có con học tiểu học không được đánh giá bằng điểm số mà chỉ đánh giá qua nhận xét theo quy định mới về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GD-ĐT. Thay vào đó, PGS.TS kiến nghị, người học cần xác định rõ mục tiêu học tập, chuyển từ động cơ học tập bên ngoài (học vì bằng cấp, học vì gia đình, học vì bố mẹ) thành động cơ học tập bên trong (học vì say sưa, yêu thích, học để phục vụ bản thân).
TS. Lê Thị Thanh Loan quan tâm đến bộ tiêu chí và các chỉ số học tập của TP
Sau thời gian nghiên cứu bộ tiêu chí và các chỉ số học tập của TPHCM, TS. Lê Thị Thanh Loan cho rằng, 6 trụ cột chính của một thành phố học tập bao gồm: tính hòa nhập trong hệ thống giáo dục, tinh thần học tập trong gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập phục vụ cho công việc và ngay tại nơi làm việc, mở rộng sử dụng các công nghệ học tập hiện đại, nâng cao chất lượng học tập và nuôi dưỡng văn hóa học tập suốt đời.