Trong đó, chú trọng khắc phục, có hướng giải quyết các vấn đề cơ bản như nhân viên nam lại túc trực, phụ trách các khu có trẻ em gái; quy trình tiếp xúc các bé quá dễ dàng, thiếu sự giám sát chéo chặt chẽ; điều kiện sinh hoạt, học tập chật chội, đơn điệu ở các trung tâm…
Việc hình thành, duy trì các trung tâm, cơ sở xã hội là rất tốn kém và trẻ được nuôi dưỡng tại các trung tâm nhiều khi lại quá tách biệt với thế giới bên ngoài. TPHCM không nên quá đề cao việc đưa người thuộc diện bảo trợ xã hội, nhất là trẻ em, vào trung tâm để nuôi dưỡng tập trung.
Thay vào đó, nên học tập kinh nghiệm từ các nước phát triển, là hình thành mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác xã hội ngay tại cộng đồng.
Dịch vụ công tác xã hội cần mở rộng, bao phủ tới cộng đồng. Làm sao để các đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là người già, trẻ em, người khuyết tật… có thể nhờ nhân viên xã hội của thành phố tới tận nhà thực hiện các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ theo thời gian (có khi chỉ cần một vài giờ/ngày), theo nhu cầu.
Đây là xu hướng hiện đại, mang tính linh hoạt và nhân văn, không “nhốt” trong môi trường chật chội mà “thả” trong môi trường cộng đồng, tôn trọng tự do, tôn trọng mạng lưới xã hội, quan hệ cộng đồng của người già, trẻ em.
Bằng cách này, TPHCM có thể giúp những người thuộc diện bảo trợ xã hội được quan tâm, chăm sóc chuyên nghiệp bởi mạng lưới công tác xã hội, mà lại không tách họ ra khỏi môi trường sống.