Cân đối đầu tư thị trường trong nước và quốc tế
Dữ liệu phân tích của Google theo dõi xu hướng du lịch cho thấy, ngay từ tháng 1 đầu năm nay, số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm ngoái. Công dân các nước Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất. Đặc biệt, với việc hiện nước ta là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới, đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ. Cùng với đó, việc mở cửa du lịch quốc tế từ 15-3 tới đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc đón khách du lịch đến Việt Nam.
Chia sẻ tại diễn đàn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế.
Ông Khánh nói: "Nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Sau hai năm bị tàn phá bởi làn sóng Covid-19, doanh nghiệp du lịch cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch…".
Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch nhận định: “Thời điểm mở cửa của Việt Nam hiện nay là không hề sớm, chúng ta đã thực hiện thí điểm với điều kiện khắt khe, với điều kiện kiểm soát y tế quá chặt chẽ, cộng với việc chưa thực hiện chính sách mở cửa lại visa, thì việc thực hiện thí điểm vừa qua mới đón được lượng khách rất khiêm tốn là khoảng 9.000 khách trong mấy tháng, so với gần 500.000 khách của Singapore, như vậy là chưa thành công so với đối thủ cạnh tranh. Vậy nguyên nhân là vì sao, để qua đó chúng ta thấy rằng, với chủ trương của Chính phủ đã cho mở cửa hoàn toàn, thì từ bài học thí điểm phải rút ra kinh nghiệm và những gì là nút thắt, rào cản, thì các bộ ngành cần chung tay với Bộ VHTT-DL tháo gỡ, kiến nghị để có phương án mở cửa an toàn, linh hoạt, tạo điều kiện thật sự thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai”.
Cùng chia sẻ về việc tạo “luồng xanh” an toàn cho du khách và doanh nghiệp, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp lúc này là chính sách ban hành phải dễ hiểu, dễ thực hiện. Đồng thời, những chính sách ban hành của chúng ta cũng tương đồng với các nước khác đặc biệt là những nước đang phát triển du lịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, kiểm soát dịch bệnh nới lỏng nhưng không buông lỏng, mở cửa an toàn, nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng; đồng thời kiểm soát dịch bệnh đảm bảo được sức khỏe người dân và cả vấn đề an sinh. Riêng ngành du lịch, có đặc điểm phức tạp vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau (ngoài trời, phòng kín, thời tiếp xúc nhiều nhóm người lạ khác nhau, liên quan tới nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều địa phương...). Do đó, cần chính sách phòng bệnh đặc thù, áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động. Khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm”. |