PGS-TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Lỗ hổng trong hệ thống bảo vệ trẻ em
Những vụ việc đau lòng như vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng nhắc nhở chúng ta về lỗ hổng trong hệ thống bảo vệ trẻ em. Mỗi lần lơ là, mỗi sự thiếu sót trong giám sát có thể khiến một đứa trẻ phải gánh chịu những tổn thương mà không gì có thể đền bù.
Bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm trên giấy tờ, mà cần được thực hiện bằng những hành động cụ thể, chẳng hạn như có một hệ thống giám sát hiệu quả. Không chỉ là những đợt kiểm tra định kỳ, mà còn là việc ứng dụng công nghệ hiện đại (như camera giám sát) giúp theo dõi và phát hiện sớm bất kỳ hành vi bạo hành nào. Những người trực tiếp chăm sóc trẻ em cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Khi những người làm công việc bảo mẫu được đào tạo chuyên nghiệp, mỗi hành động của họ sẽ không chỉ mang đến sự chăm sóc mà còn là niềm hy vọng cho sự phát triển của từng đứa trẻ. Chính sách pháp lý và việc thực thi pháp luật cũng cần phải cứng rắn, rõ ràng hơn. Mỗi hành vi xâm phạm quyền trẻ em phải được xử lý nghiêm khắc.
Việc đội lốt từ thiện để thực hiện các hành vi bạo lực là một tội ác không thể tha thứ. Điều này đặt ra nhu cầu cấp bách về việc giám sát chặt chẽ hơn các tổ chức từ thiện. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần xây dựng một cơ chế kiểm tra nghiêm ngặt, không chỉ đối với những tổ chức mới thành lập mà còn với những tổ chức đã hoạt động lâu năm. Xã hội cần biết rằng mọi khoản quyên góp, mọi hoạt động từ thiện đều minh bạch và hướng đến những giá trị tích cực.
Ông ĐẶNG HOA NAM, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB-XH: Thiết lập cơ chế điều phối, chuyển tuyến dịch vụ chăm sóc trẻ em
Trong giấy phép cấp cho cơ sở Mái ấm Hoa Hồng có ghi rõ là định kỳ báo cáo 6 tháng/lần. Theo thông tin chúng tôi nắm được, cơ sở này cũng đã từng được kiểm tra, nhưng vẫn để xảy ra sự việc đáng tiếc.
Ngay khi nắm được sự việc, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH đã có công điện đề nghị TPHCM thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em công lập và ngoài công lập. Thông qua đợt thanh tra này sẽ xử lý nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, không được cấp phép, hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định.
Theo tôi, các vụ bạo hành trẻ em tương tự có nguy cơ tiếp tục xảy ra nếu không có giải pháp thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý. Một trong những giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em là cần phải có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đội ngũ này ở nước ta đang thiếu trầm trọng, công tác trẻ em được giao cho công chức lao động xã hội cấp xã phụ trách, trong khi họ rất nhiều việc. Chúng ta chưa có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp về trẻ em, nên khó giám sát, phát hiện sớm nguy cơ trẻ bị xâm hại. Cục Trẻ em sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định này trong thời gian tới.
Sau vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng, Cục Trẻ em đã đề nghị TPHCM thiết lập cơ chế điều phối, chuyển tuyến dịch vụ chăm sóc trẻ em. Chăm sóc trẻ tập trung chỉ là giải pháp cuối cùng, khuyến khích tìm gia đình thay thế bằng môi trường gia đình cho trẻ để trẻ được chăm sóc tốt nhất.
Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Một bài học lớn cho chính quyền địa phương
Đây là sự việc bạo hành trẻ em rất nghiêm trọng, cần phải xử lý hình sự. Những người nuôi dạy trẻ lại bạo hành trẻ là điều không thể chấp nhận. Mặt khác, đây là nơi nuôi dạy trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, hoàn cảnh các em thương tâm hơn, người làm từ thiện cần có tâm, có đức hơn thì lại xảy ra vụ việc lợi dụng huy động từ thiện để trục lợi, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đây là một hình thức từ thiện trá hình và gây ra dư luận không tốt, ảnh hưởng đến những cơ sở thiện nguyện đã làm tốt và cũng ảnh hưởng đến niềm tin của các mạnh thường quân đã quyên góp để nuôi các cháu nhỏ.
Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc, thanh tra, kiểm tra không chỉ Mái ấm Hoa Hồng mà còn nhiều cơ sở khác để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh sai phạm. Qua vụ việc này cũng để lại một bài học lớn cho chính quyền địa phương, đó là điều này hoàn toàn có thể xảy ra ở những địa bàn khác nếu chúng ta buông lỏng quản lý, tin tưởng vào việc làm từ thiện của các tổ chức, cá nhân mà không có sự kiểm tra, giám sát.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 110/2024/NĐ-CP về công tác xã hội. Theo đó, 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội bao gồm: 1- Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng, hoặc người giám hộ hay người đại diện của đối tượng, trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật; 2- Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật; 3- Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật; 4- Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân; 5- Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thỏa thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; 6- Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
LÂM NGUYÊN