Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19 với khoảng 3.000 đại biểu tham dự, bao gồm đại diện hơn 100 chính phủ, các tổ chức quốc tế lớn và 1.000 công ty đối tác cùng với các nhà lãnh đạo xã hội, chuyên gia, nhà hoạt động thanh niên, doanh nhân và giới truyền thông.
Đưa ra giải pháp sáng tạo
Tham gia WEF Davos 2024 có Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres; người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva; Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay S. Banga; người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Hội nghị năm nay sẽ đề cập những diễn biến toàn cầu mới nhất và thảo luận những giải pháp sáng tạo, thiết thực nhằm khôi phục và tái định hình sự hợp tác, thúc đẩy khả năng phục hồi và an ninh.
Với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin”, WEF Davos 2024 tập trung trao đổi và đề xuất giải pháp đối với 4 nhóm vấn đề, gồm: Thúc đẩy an ninh và hợp tác cùng có lợi trong một thế giới phân mảnh; Xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với kỷ nguyên mới; Chiến lược dài hạn đối với khí hậu, tự nhiên và năng lượng; Trí tuệ nhân tạo là động lực cho phát triển kinh tế và xã hội.
Các phiên họp sẽ xem xét quan hệ đối tác khu vực, cách thức tăng cường hợp tác giữa các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển; thảo luận biện pháp hình thành một hệ thống thương mại hiệu quả và toàn diện. Với sự góp mặt của lãnh đạo các tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính và những nhà kinh tế hàng đầu, các phiên thảo luận sẽ đề cập đến những diễn biến kinh tế mới nhất bao gồm các chiến lược công nghiệp, nợ, lãi suất cao và triển vọng việc làm.
Những vấn đề cấp bách
Trang tin The National nhận định, WEF 2024 sẽ bị bao phủ bởi nỗi lo xung đột tại Trung Đông đang lan rộng, xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, cùng nhiều dự đoán không mấy lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm nay. Theo IMF, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, từ mức 3% vào năm 2023 còn 2,9% vào năm 2024. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính tăng trưởng quốc tế cũng sẽ chậm lại, từ mức 2,9% năm 2023 còn 2,7% năm 2024.
Nợ công đã bùng nổ trong đại dịch Covid-19 và dự báo, lượng vay nợ mới trong năm nay của chính phủ tại một số nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục phá kỷ lục. Điều này khiến các chính phủ suy giảm khả năng ứng phó với những cú sốc như khủng hoảng tài chính, bệnh dịch hay chiến tranh… có thể xảy ra. WEF là một tổ chức quốc tế độc lập, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ và được thành lập năm 1971 theo sáng kiến của GS Klaus Martin Schwab. WEF cam kết đóng góp vào sứ mệnh phát triển năng lực của thế giới bằng cách kết nối lãnh đạo các nước lớn, tổ chức quốc tế cũng như những tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới để kiến tạo các quan hệ hợp tác, từ đó thực hiện những mục tiêu kinh tế, vấn đề then chốt trên toàn cầu và khu vực.
Tối 15-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự WEF Davos 2024, thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16 đến 23-1 theo lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu.