Vẫn chấp nhận khi bị bạo hành
Anh A. (ngụ quận 12, TPHCM), 32 tuổi, là bác sĩ tại một bệnh viện lớn, thừa nhận người mình sợ nhất là cha. Mỗi khi uống rượu, cha đánh đập hai anh em với đủ lý do, từ việc điểm thấp đến chuyện không biết làm đẹp mặt gia đình…; thế nhưng khi tỉnh, ông là người cha rất thương con. Cũng vì thế, dù rất sợ cha nhưng hai anh em không ai dám có suy nghĩ chống đối, còn mặc định đó là “thương cho roi cho vọt”.
Anh A. tâm sự: “Đến tận khi chúng tôi đã lớn và đi làm, nhưng khi làm gì trái ý cha như chọn chuyên khoa, chọn bạn gái, thậm chí chọn quần áo hay mua cây cảnh trồng… là cha hất hết mâm cơm. Cha như cố ý bắt lỗi, thậm chí nhốt con vào phòng rồi... động tay, động chân. Mình là con, có sức khỏe, nhưng không biết làm thế nào cho phải”.
Luôn xuất hiện với nụ cười niềm nở, mặt mày “sáng choang”, không ai nghĩ mỗi ngày Ngọc Tr. (25 tuổi, nhân viên truyền thông) đều sống trong tâm lý sợ hãi do ám ảnh bởi những hành vi bạo lực cả thể xác và tâm lý từ mẹ. Hệ lụy là Tr. bị trầm cảm nhiều năm. “Về sau, tôi còn bị ảo thanh khi cảm giác nghe tiếng mẹ la mắng ở khắp nơi”, Tr. bộc bạch.
Số liệu từ Bộ LĐTB-XH cho biết, năm 2023, cả nước có hơn 3.200 vụ việc bạo hành gia đình được báo cáo. Trong đó, bạo hành thể xác chiếm tỷ lệ cao nhất (47%), tiếp theo là bạo hành tinh thần (43%), bạo hành kinh tế (7%) và bạo hành tình dục (3,3%). Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng chịu tổn thương nặng nề nhất, chiếm khoảng 82,3%.
TS xã hội học Phạm Thị Thúy phân tích, rất nhiều lý do để bạo hành trong gia đình được duy trì trong thời gian dài, người bị bạo hành không muốn thay đổi sự thật này. Phổ biến nhất là quan điểm “mình làm sai nên mới bị trừng phạt”, chồng có quyền “dạy” vợ, cha mẹ có quyền roi vọt con. Và một lý do quan trọng khác là người bị bạo hành thường lệ thuộc về tài chính, không tin tưởng bản thân có thể tự lo liệu cho cuộc sống của mình.
Chuẩn bị kỹ năng đảm bảo an toàn
Tìm hiểu thực tế những vụ bạo hành gia đình trước đây, TS Phạm Thị Thúy đưa ra lời khuyên, những trường hợp đang và có nguy cơ bị bạo hành cần xây dựng một kịch bản an toàn cho bản thân; có thể chọn các số điện thoại quan trọng (hàng xóm, công an phường, bảo vệ…) vào chế độ “khẩn cấp”, để có thể gọi ứng cứu khi cần.
Những người quen luôn bên cạnh ủng hộ nạn nhân sẽ giúp rất nhiều trong trường hợp này: nhờ họ cung cấp chi tiết địa chỉ nhà và thuộc đường đến đó để có thể đến; nhờ họ giữ hộ một số tiền, quần áo, giấy tờ tùy thân quan trọng. Nếu nạn nhân có thể phải bỏ trốn cùng con, chuẩn bị trước giấy tờ quan trọng (khai sinh, học bạ, giấy tiêm chủng…), quần áo của con để mang theo, cùng con tập dượt trước cách thoát ra khỏi nhà nhanh và an toàn nhất.
Tuy nhiên, các nạn nhân cần hiểu rằng mình không cô đơn, pháp luật và xã hội luôn bảo vệ, do vậy hãy mạnh dạn tìm tới sự hỗ trợ. Trước tiên, để đảm bảo bình an trong nơi ở mới, nạn nhân nên sửa cửa nẻo chắc chắn, đồng thời nói trước cho hàng xóm, lãnh đạo nơi làm việc biết mình đã ly hôn hoặc ly thân, để họ hỗ trợ báo công an trong trường hợp có người rình rập, đe dọa. Nếu diễn biến mọi việc xấu đi, cần phải làm việc với chính quyền, nạn nhân nên có sẵn bằng chứng, đó có thể là tin nhắn, ghi âm việc mình bị đe dọa.
Giành lại cuộc đời là một hành trình gian nan. Với những nạn nhân có tâm lý chưa vững, nhiều lúc họ sẽ bị suy sụp, muốn buông xuôi, quay về với người bạo hành mình… Lúc này, nạn nhân nên tâm sự cùng bạn bè hoặc gọi cho đường dây nóng tư vấn để tìm hướng đi tốt nhất.