Theo số liệu từ Chainalysis do Bộ Tư pháp Mỹ công bố, Việt Nam đứng thứ 3 về chỉ số chấp nhận tiền mã hóa, dân số sở hữu tài sản ảo hơn 20 triệu người. Chỉ trong 1 năm, từ tháng 7-2022 đến tháng 7-2023, dòng tiền đổ vào tài sản ảo tại Việt Nam đạt khoảng 120 tỷ USD, gấp 5 lần vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng số tiền này chưa thể kiểm soát, dẫn đến thất thu thuế.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo hoạt động không phép tại Việt Nam đang vi phạm pháp luật khi thu thập, sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng không hợp pháp, không đúng mục đích.
Tại Việt Nam, do thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh, các quy định liên quan còn hạn chế dẫn tới tình trạng các hoạt động huy động vốn từ cộng đồng, gian lận trong tiếp thị, quảng bá dịch vụ tài sản ảo vẫn diễn ra thường xuyên, núp bóng dưới nhiều hình thức, nhất là những hội thảo kín. Một số sàn tiền ảo còn tổ chức các sự kiện cho sinh viên, sử dụng những chiêu bài phổ cập kiến thức, giới thiệu việc làm nhằm dễ dàng tiếp cận để quảng bá dịch vụ và thu hút người dùng mới.
Không ít người dân bị các đối tượng tội phạm lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số nhằm chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều, với các chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã phát đi nhiều khuyến cáo người dân cần thận trọng khi được mời chào đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số trên mạng xã hội…
Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, tài sản ảo là xu thế chung không thể đảo ngược của thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì vậy, việc hình thành khung pháp lý để bảo vệ người dùng là rất cần thiết, tận dụng tối ưu các lợi thế của công nghệ mới để hạn chế những tác động trái chiều.