Tại Việt Nam, do thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh, các quy định liên quan VA-VASP nằm rải rác ở 19 văn bản quy phạm pháp luật, dẫn tới tình trạng các hoạt động huy động vốn từ cộng đồng, gian lận trong tiếp thị quảng bá dịch vụ tài sản ảo vẫn diễn ra thường xuyên núp bóng dưới nhiều hình thức. Thậm chí, nhiều đơn vị thường xuyên tổ chức những hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh nhằm thu hút huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân.
Nhiều báo cáo từ người dùng gửi về Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho thấy họ bị lừa đảo thông qua việc gửi, nạp tiền lên các nền tảng sàn giao dịch, ví điện tử không rõ thông tin, chưa được cơ quan quản lý xác thực.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, trước bối cảnh này, việc cộng đồng chung tay xây dựng bộ tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn dự án và ứng dụng công nghệ RegTech truy vết on-chain có thể góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng gian lận, lừa đảo liên quan tài sản ảo.
Hiện nay, có thể sử dụng các công nghệ tiên tiến như: AI, Machine learning, BigData, Blockchain để tối ưu hóa quá trình tuân thủ các quy định pháp luật của các tổ chức, tăng độ chính xác và minh bạch trong báo cáo tài chính.
Các giải pháp RegTech hàng đầu thế giới được cung cấp bởi Chainalysis, Certik, Elliptic hay tại Việt Nam là chương trình truy vết tài sản ảo - Chain Tracer sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hoạt động của VA-VASP.
“Việc xây dựng khung pháp lý để quản lý VA-VASP cần kết hợp giữa các kinh nghiệm thực tiễn, nguyên tắc rủi ro của ngành tài chính truyền thống và ứng dụng các công nghệ mới. Trong đó, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như: KYC, KYB, KYI, KYT... của ngành tài chính truyền thống cũng cần phải được áp dụng đối với lĩnh vực quản lý tài sản ảo nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng, sự bền vững của hệ thống và tăng sức đổi mới sáng tạo”, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh.
Thực tế, nhiều VASP hoạt động không phép tại Việt Nam hiện nay đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật, điển hình là tình trạng âm thầm thu thập dữ liệu cá nhân không hợp pháp, sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng không đúng mục đích.
Bên cạnh đó, việc hoán đổi tài sản, đặc biệt là các giao dịch tài chính và bất động sản như mua bán stablecoin, khai thác coin, bán token ứng dụng trong GameFi, bán NFT… dẫn đến nguy cơ vi phạm quy định về thuế và phòng chống rửa tiền.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Thị trường Trái phiếu Việt Nam, tài sản ảo và các hoạt động bên lề đang tồn tại ở quy mô lớn tại Việt Nam và trên toàn cầu. Tài sản ảo cũng có thể được coi là một trong những sự đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình phát triển của xã hội, hướng tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của con người.
Các ý tưởng sáng tạo thường đi trước sự phát triển của khung pháp lý và luôn mang đến cả những tác động tích cực và tiêu cực đối với xã hội. Vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý là cần thiết để bảo vệ người dùng, tận dụng tối ưu các lợi thế của công nghệ mới cho sự phát triển của xã hội đồng thời hạn chế những tác động trái chiều.
Theo nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương (AC), vấn đề khung pháp lý tài sản ảo ngày càng được các quốc gia quan tâm sâu sắc, tính đến tháng 12-2023, đã có 32/60 quốc gia đã chính thức hợp pháp hóa tài sản mã hóa. Đặc biệt, có 10 quốc gia trong nhóm G20 (chiếm 50% GDP toàn cầu) đã chính thức ban hành quy định liên quan đến quản lý Tài sản ảo và Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo.