- PHÓNG VIÊN: Ông có thể khái quát những mục đích chính mà hội nghị chuyên đề này nhắm tới?
>> Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Kể từ năm 2007, Liên hiệp quốc bắt đầu phát động chương trình với tên gọi “Tuần lễ an toàn đường bộ toàn cầu” nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề an toàn và kêu gọi hành động của toàn cộng đồng trong việc giảm thiểu và ngăn ngừa tai nạn giao thông đường bộ. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn đường bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho các đối tượng trong độ tuổi từ 5-29. Trong số này, 30% tử vong do tai nạn có liên quan đến người đi bộ, người đi bằng phương tiện cơ giới.
Tại TPHCM, với sự quan tâm đặc biệt đến ATGT cho đối tượng là học sinh phổ thông, Ban ATGT đã phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, Quỹ phòng chống thương vong châu Á xác lập kế hoạch “Đi bộ an toàn giai đoạn 2017-2020”; qua đó tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, sự kiện truyền thông và thí điểm cải tạo hạ tầng giao thông tại các điểm trường được chọn. Hội nghị chuyên đề lần này với tên gọi “Chung tay xây dựng khu vực trường học an toàn - Hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu” được tổ chức nhằm đánh giá lại kết quả bước đầu của việc thí điểm triển khai giáo dục đi bộ an toàn cho học sinh trong thời gian qua. Hội nghị cũng đồng thời phát động các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố tích cực hưởng ứng, tham gia chương trình ATGT đường bộ.
- Vậy kết quả sơ bộ thu được như thế nào?
Trên địa bàn thành phố có 37 trường tiểu học ở các quận 1, 5 và 6 được chọn thực hiện thí điểm trong kế hoạch “Đi bộ an toàn giai đoạn 2017-2020”. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng đi bộ an toàn, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông để bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em có thể tự đi bộ đến trường một cách an toàn, thuận lợi, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường và giảm ùn tắc giao thông quanh khu vực các điểm trường.
Kết quả sơ bộ ghi nhận cho thấy đã có sự cải thiện tình trạng giao thông xung quanh nhiều trường tiểu học như: Kết Đoàn (quận 1), Phạm Văn Chí và Hùng Vương (quận 6)… Dựa theo nhu cầu thực tế của từng khu vực, các thí điểm cải tạo hạ tầng giao thông tại các điểm trường được thực hiện linh động. Các thí điểm cải tạo bao gồm lắp đặt đèn cảnh báo chớp vàng, xây vỉa hè và đảo trú chân cho người đi bộ trên đường, lắp đặt các chỉ dẫn giao thông cơ bản như biển báo khu vực trường học, biển báo khu vực đường bộ, dấu hiệu cảnh báo giảm tốc độ khi tiến vào khu vực trường học đông trẻ em… Những cải tạo được thực hiện dựa trên nghiên cứu kết quả khảo sát thực tế.
- Theo ông, vì sao an toàn đường bộ, trong đó có an toàn đường bộ cho trẻ em được Ban ATGT nhắc đến và nhấn mạnh khá nhiều trong thời gian gần đây?
Có một thực tế là an toàn đường bộ đã và đang là vấn đề cần quan tâm đặc biệt tại Việt Nam. Các số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia đã phần nào cho thấy đây là sự cần thiết. Theo Ủy ban ATGT quốc gia, tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tích nghiêm trọng trẻ từ sơ sinh đến 19 tuổi. Hàng năm có hơn 1.900 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước. Trong bối cảnh ấy, an toàn đường bộ nói chung và an toàn đi bộ cho trẻ em nói riêng trở thành mối quan tâm hàng đầu, không chỉ của Ban ATGT. Chúng tôi cho rằng, chương trình đi bộ an toàn là một bước tiếp cận đơn giản nhưng quan trọng hướng đến việc nâng cao nhận thức về an toàn đường bộ. Dù còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng với sự chung tay của các sở ban ngành, của các tầng lớp nhân dân, chúng ta có thể đạt được mục tiêu cải thiện hơn nữa an toàn giao thông nói chung và an toàn đường bộ nói riêng cho các cộng đồng địa phương.
Trong thời gian tới, Ban ATGT TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở ngành liên quan và cơ quan truyền thông đại chúng để tăng cường công tác truyền thông, qua đó góp phần kéo giảm tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông đường bộ nói riêng.
Khu Quản lý giao thông đô thị (KQLGTĐT) số 3 thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM là đơn vị có nhiều cố gắng, giải pháp linh động để đảm bảo ATGT cho trẻ em, cho khu vực trường học. Một cách tổng quát, các giải pháp hướng tới mục tiêu đảm bảo ATGT cho trẻ em, đặc biệt tại khu vực các trường học mà KQLGTĐT số 3 triển khai thực hiện thời gian qua nhìn chung có tính đa dạng và uyển chuyển, áp dụng tùy theo đặc thù, đặc điểm của từng vị trí điểm trường. HUY KHÁNH |