Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua tỉnh tập trung nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới; đến nay toàn tỉnh có 55 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, kế hoạch đến cuối năm 2019 có thêm 12 xã được công nhận. Đối với cấp huyện thì TP Sa Đéc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; hiện TP Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự đang lập hồ sơ đề nghị xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...
Tính đến hết tháng 10-2019, ở Đồng Tháp có 166 HTX nông nghiệp, trong số này có 19 HTX ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất. Đặc biệt, toàn tỉnh có 86 “Hội quán”, với hơn 4.000 thành viên là người dân tham gia hoạt động, gắn với từng ngành hàng đặc trưng của địa phương. Thông qua mô hình hội quán đã góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở; tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước…
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đánh giá cao về hoạt động của các HTX nông nghiệp bởi ứng dụng tốt công nghệ cao vào sản xuất nhằm gia tăng giá trị; xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp cũng rất khởi sắc; nhất là mô hình hội quán phát huy hiệu quả trên nhiều mặt. Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Đồng Tháp nghiên cứu xây dựng Làng văn hóa du lịch ở Sa Đéc (1 trong 10 làng du lịch được chọn thí điểm của cả nước) và mô hình Khu dân cư nông thôn mới vùng biên, giai đoạn 2019 – 2020 nhằm làm điểm để nhân rộng ra toàn tuyến biên giới. Ngoài ra, khuyến khích phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nhằm tăng nguồn thu cho nông dân và xây dựng môi trường xanh sạch, trong lành ở các vùng nông thôn…