
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (KCNCHL) tại Hà Tây nhằm hình thành một trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ quốc gia, nơi ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao cho đất nước. Sau gần 10 năm “ì ạch”, đây được xem là một quyết tâm lớn nhằm biến những dự định lớn trước đây thành hiện thực… Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH-CN, kiêm Trưởng Ban quản lý KCNCHL

Nguyễn Văn Lạng (ảnh) cho biết: Vào năm 1998, khi quyết định xây dựng KCNCHL, Chính phủ muốn phát triển theo mô hình Silicon Valley (Mỹ) hay Bangalo (Ấn Độ), tức nơi nghiên cứu và sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao.
Tuy nhiên, cái khó của KCNCHL thời điểm đó là hệ thống giao thông kết nối với sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng và Hà Nội còn hạn chế. Cùng với nhiều nguyên nhân khác đã khiến KCNCHL chưa có sức thuyết phục cao với nhà đầu tư. Sự thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng khu công nghệ cao, nhất là công tác giải phóng mặt bằng càng làm công việc trì trệ…
Tuy nhiên, với quy hoạch mới vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tôi cho rằng cái khó nhất của KCNCHL đã qua rồi. Đến nay, đã có 1.000 người làm việc thường xuyên ở đây, bao gồm các cán bộ KCNCHL, công nhân các nhà máy, các nhóm nghiên cứu, bộ phận xây dựng…
Năm 2010, toàn bộ diện tích KCN cao được giải phóng
Cùng với 300 ha của khu công nghiệp Bắc Phú Cát (huyện An Khánh – Hà Tây) mà Chính phủ đã có quyết định giao cho Ban quản lý Hòa Lạc và 200 ha đã giải phóng mặt bằng trước đây, hiện tại, Hòa Lạc có 770 ha được giải phóng, bằng gần một nửa diện tích Hòa Lạc. Từ đầu năm 2008 đến nay, Ban quản lý cũng đang tiếp tục giải ngân để giải phóng mặt bằng thêm 192 ha nữa. Dự kiến, đến năm 2010, toàn bộ diện tích của Hòa Lạc sẽ được giải phóng. Phải quyết liệt, nếu không thì không thể làm được.
Giải phóng đến đâu, chúng tôi đã đã xúc tiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong hơn 8 năm trước đó, tổng số tiền giải ngân được trong xây dựng cơ bản là 434 tỷ đồng, thì chỉ hơn một năm rưỡi nay, Hòa Lạc đã giải ngân thêm gần 300 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm 98 tỷ đồng năm 2007 và 198 tỷ đồng đầu năm nay.
Suất đầu tư khoảng 9,3 triệu USD/ha
Năm ngoái, Hòa Lạc kêu gọi đầu tư được 188 triệu USD, riêng 5 tháng đầu năm nay đã đạt 210 triệu USD. Nếu như 8 năm trước chỉ có 4 dự án với 13 triệu USD đầu tư vào đây, thì thời gian trong hơn một năm rưỡi qua, đã có gần 400 triệu USD được ký cấp phép đầu tư vào KCNCHL. Trong tháng 6 và tháng 7 này, chúng tôi tiếp nhận thêm được gần 170 triệu USD nữa, trong đó, sẽ khởi công xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc tế lớn nhất miền Bắc, cao 25 tầng với tổng số tiền đầu tư 50 triệu USD. Nếu không có gì thay đổi, năm nay, Hòa Lạc sẽ thu hút được 800 triệu USD. Ngoài ra, còn một loạt thỏa thuận của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với vốn đầu tư khoảng vài tỷ USD cũng đang được chúng tôi xúc tiến mạnh mẽ. Với gần 30 dự án đầu tư hiện nay, suất đầu tư tại KCNCHL đạt khoảng 9,3 triệu USD/ha, cao nhất cả nước (hầu hết các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay chỉ đạt 1 triệu USD/ha, các cụm công nghiệp còn thấp hơn nữa).
“Vườn ươm” doanh nghiệp công nghệ cao
Hiện có 8 doanh nghiệp công nghệ cao hoạt động tại đây. Họ được KCNCHL tuyển chọn từ nhiều cuộc thi khác nhau về công nghệ, sở hữu các bí quyết công nghệ tiên tiến thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới. Hiện tại một số nhóm đã có kết quả rất khả quan như phát triển trường học trực tuyến, sản xuất chế phẩm sinh học, nghiên cứu tế bào gốc... Chỉ một thời gian ngắn nữa, các kết quả này sẽ được thương mại hóa. Hoạt động tại đây, các doanh nghiệp này sẽ được chúng tôi hỗ trợ về cơ sở vật chất, tư vấn miễn phí về luật pháp, tài chính, marketing và cả cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, cơ sở vườn ươm tạo của KCNCHL của chúng tôi còn nhỏ quá, nên chỉ có thể tiếp nhận được 8 trong số 30 đơn vị đăng ký vào đây. Thời gian tới, KCNCHL sẽ đẩy mạnh hoạt động này bên cạnh Trung tâm ươm tạo công nghệ và hy vọng sẽ thu hút được nhiều, thậm chí là hàng trăm doanh nghiệp công nghệ cao vào hoạt động tại đây. Hiện nay chỉ có Trường Đại học FPT do Tập đoàn FPT là chủ đầu tư với quy mô 10.000 sinh viên đang chuẩn bị khởi công xây dựng, là dự án đào tạo nhân lực lớn nhất vào KCNCHL.
Trường ĐH Công nghệ Hà Nội vừa được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, với mục tiêu trở thành một trường ĐH đẳng cấp quốc tế, theo dự kiến cũng sẽ được xây dựng ở đây. Trường ĐH này sẽ sử dụng 700 TS và 200 GS, PGS của Viện KH-CN Việt Nam cùng GS nước ngoài để giảng dạy khoảng 8.000 sinh viên mỗi năm. Trong tương lai, 2 trường ĐH này sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực chính, có trình độ cao cho KCNCHL.
Trần Lưu (thực hiện)