Đây là những con số rất ấn tượng, không chỉ thể hiện sự tăng trưởng cao, được bạn đọc ủng hộ và tín nhiệm mà còn khẳng định hướng đi đúng đắn của một không gian góp phần xây dựng thói quen đọc sách, hay còn được khái quát thành văn hóa đọc.
Đã có nhiều lý giải về thành công của đường sách. Chẳng hạn, trước khi có Đường sách Nguyễn Văn Bình, thành phố đã tổ chức Lễ hội Đường sách tết từ năm 2011 trên đường Mạc Thị Bưởi. Các năm sau đó lễ hội tiếp tục diễn ra tại đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế; riêng tết năm 2015 diễn ra trên đường Hàm Nghi (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến Hồ Tùng Mậu). Qua 5 năm thực hiện, những người tổ chức đã thăm dò và tạo điều kiện cho người dân làm quen với một loại hình văn hóa mới, đặc sắc. Thực tiễn đã chứng minh rằng loại hình này đã được đón nhận nhiệt liệt. Đó là một trong những yếu tố có ý nghĩa khá quan trọng dẫn đến hình thành một đường sách ổn định. Những nhà tổ chức đã rút được kinh nghiệm quý báu để xây dựng thành công Đường sách TPHCM hấp dẫn được người xem, người đọc.
Đã có nhiều lý giải về thành công của đường sách. Chẳng hạn, trước khi có Đường sách Nguyễn Văn Bình, thành phố đã tổ chức Lễ hội Đường sách tết từ năm 2011 trên đường Mạc Thị Bưởi. Các năm sau đó lễ hội tiếp tục diễn ra tại đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế; riêng tết năm 2015 diễn ra trên đường Hàm Nghi (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến Hồ Tùng Mậu). Qua 5 năm thực hiện, những người tổ chức đã thăm dò và tạo điều kiện cho người dân làm quen với một loại hình văn hóa mới, đặc sắc. Thực tiễn đã chứng minh rằng loại hình này đã được đón nhận nhiệt liệt. Đó là một trong những yếu tố có ý nghĩa khá quan trọng dẫn đến hình thành một đường sách ổn định. Những nhà tổ chức đã rút được kinh nghiệm quý báu để xây dựng thành công Đường sách TPHCM hấp dẫn được người xem, người đọc.
Một lý do khác là những người xây dựng đường sách đã đặt ra mục tiêu phải tạo ra được một không gian văn hóa đọc, góp phần làm nên thói quen, niềm yêu thích đọc sách và phải trở thành là một điểm đến quen thuộc của người dân thành phố; đồng thời tác động đến các nhà xuất bản, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát hành sách chia sẻ, đồng cảm và đồng hành với mục tiêu này. Nhiều đơn vị tham gia đã sẵn sàng bỏ qua yếu tố thương mại, lợi nhuận, chỉ chú trọng làm sao có thể đưa sách đến được với người đọc, làm sao gieo được trong lòng người đọc tình yêu sách.
Ngoài ra, các hoạt động tại đường sách còn rất phong phú với nhiều “món” hấp dẫn cho công chúng, như các giao lưu, giới thiệu, gặp gỡ giữa tác giả - bạn đọc, các sự kiện văn hóa nghệ thuật, triển lãm... Thống kê cho thấy, 2 năm qua, đường sách có 18 hoạt động theo chủ đề, 31 cuộc trưng bày triển lãm, 267 chương trình giao lưu giới thiệu sách... Đường sách từng được được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu nổi bật hàng đầu của TPHCM năm 2016…
Cũng có người nói, đường sách nằm giữa trung tâm thành phố, bên cạnh các công trình văn hóa, rợp bóng cây xanh, không gian êm đềm và mát mẻ... là một yếu tố thuận lợi để kéo công chúng đến với đường sách. Rõ ràng, đây không thể xem là một yếu tố ngẫu nhiên được. Bên cạnh đó, đường sách nằm cạnh Nhà văn hóa Thanh niên, nơi có đông đảo các bạn trẻ - phần nhiều là học sinh, sinh viên, đến học tập, sinh hoạt, thuận lợi sang đường sách để đọc sách, tìm hiểu, giao lưu… Đường sách cũng nằm cạnh Công viên 30-4, một địa điểm thu hút nhiều người đến tản bộ, tập thể dục, vui chơi, giải trí… Tương tự, các địa điểm lân cận khác như Công viên Chi Lăng, Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà thờ Đức Bà…, nhất là Bưu điện thành phố, nơi có khá đông du khách đến tham quan, đều có tác động đến sự hấp dẫn của đường sách. Như vậy, đường sách là một địa chỉ văn hóa nằm trong một không gian văn hóa khá độc đáo nên hấp dẫn công chúng cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, không gian văn hóa với nghĩa rộng là một quần thể các địa chỉ văn hóa ở xung quanh chỉ là điều kiện cần, bản thân đường sách là một không gian văn hóa hẹp mới là điều kiện đủ để đường sách thực sự thu hút. Đó là sự bày trí của toàn cảnh đường sách và từng gian hàng, là các điểm nhấn (như các gian trưng bày theo chủ điểm - tranh ảnh, sách theo từng chủ đề…), là các điểm dừng chân, là các sinh hoạt văn hóa đặc sắc…
Do đó, để không gian văn hóa hẹp này ngày càng hấp dẫn hơn, cần có sự đầu tư, chăm chút hơn nữa của các nhà tổ chức, các đơn vị tham gia. Chẳng hạn, cần có sự tổ chức gian hàng thu hút hơn chứ không đơn thuần là một quầy sách; việc bán sách cũng nên quan tâm hơn, nhất là về kỹ năng giới thiệu sách và thuyết phục khách hàng chọn một cuốn sách nào đó…; nên đa dạng các hoạt động văn hóa, nhất là văn hóa gắn với sách, như các cuộc thi liên quan đến sách (thuyết trình về sách, giới thiệu sách, sưu tập sách…), các cuộc triển lãm sách, giao lưu với các tác giả…; chú ý tổ chức các quán cà phê sách hợp lý hơn, chứ không phải là những quán cà phê có vài tủ trưng bày sách… Ngoài ra, các chỗ gửi xe, nhà vệ sinh, các trạm xe buýt… cũng cần được quan tâm tổ chức sao cho tiện lợi, phù hợp để mọi người dễ dàng đến đây hơn.
Đường sách là một địa chỉ văn hóa, một hoạt động văn hóa, một không gian văn hóa và là nơi nuôi dưỡng ý thức văn hóa, tinh thần văn hóa của những người đến thưởng lãm. Con số doanh thu tăng nhanh là một biểu hiện tích cực, nhưng sẽ tốt hơn nữa khi doanh thu tăng đi cùng với xây dựng lòng yêu thích đọc sách, nâng cao nhận thức về việc đọc sách, về việc bồi bổ tinh thần của một bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ. Được như vậy thì đường sách càng có ý nghĩa hơn.