Bảo vệ trẻ trước nguy cơ tiềm ẩn
Việt Nam hiện có khoảng 25 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Đây là thế hệ đón nhận nhanh nhất đồng thời chịu tác động mạnh mẽ nhất của công nghệ, internet. Theo các chuyên gia, bất kỳ một trẻ em nào truy cập internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bị bắt nạt trên mạng, dụ dỗ qua mạng, lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng.
Hãng bảo mật Kaspersky đã phân tích dữ liệu ẩn danh do người dùng Kaspersky Safe Kids cung cấp, bao gồm truy vấn tìm kiếm, các ứng dụng Android phổ biến nhất và trang web truy cập, để tìm hiểu sở thích và nhu cầu của trẻ em đã thay đổi như thế nào trong tình hình mới năm 2020-2021. Ở Việt Nam, các thể loại trang web phổ biến nhất đối với trẻ em là phần mềm, âm thanh, video (chiếm 44,7%), phương tiện truyền thông mạng xã hội (32,53%) và trò chơi máy tính (8,62%). YouTube đứng đầu trong các ứng dụng phổ biến nhất, vượt xa các ứng dụng khác (28,82%). Đứng ở vị trí thứ hai là ứng dụng nhắn tin Zalo (15,67%) và thứ ba là mạng xã hội Facebook (15,01%). Đáng chú ý, trong 10 ứng dụng phổ biến nhất còn có 2 trò chơi là Liên Quân Mobile (3,69%) và Free Fire MAX (3,44%).
Với những thông tin đáng quan tâm như trên, Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng ra đời nhằm đưa ra những khuyến nghị về chuẩn mực hành vi, ứng xử cho người dùng trên không gian mạng để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn. Đồng thời, phổ biến cách thức báo cáo khi có nghi ngờ về các hành vi xâm hại trẻ em trên không gian mạng và hơn hết là nâng cao nhận thức xã hội đối với các nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ.
Trong dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Bộ TT-TT nêu ra quy tắc cụ thể áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, cung cấp nền tảng và sáng tạo nội dung. Theo đó, các đối tượng này cần ưu tiên đặt lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; xây dựng các chính sách, tiêu chuẩn cộng đồng và tiêu chuẩn đạo đức về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng…
Phát triển hệ sinh thái ứng dụng Việt cho trẻ
Trước đó, vào đầu tháng 6-2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 830 phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Chương trình có mục tiêu kép: bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em; đồng thời duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.
Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” đưa ra nhiều sáng kiến, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trong đó có thể kể đến như triển khai các giải pháp công nghệ mới, dữ liệu lớn… để thu thập, phân tích cảnh báo sớm, ngăn chặn, xử lý nội dung vi phạm pháp luật về trẻ, nội dung không phù hợp đối với trẻ.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Qua đây, chương trình cũng sẽ thành lập và tổ chức hoạt động của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với các nhiệm vụ chính gồm nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tiếp nhận, phân loại, chuyển xử lý kịp thời các phản ánh, vấn đề phát sinh đối với trẻ em trên môi trường mạng…
Mới đây, Google phối hợp cùng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ TT-TT đã ra mắt Trung tâm An toàn Google dành cho tất cả người Việt, đặc biệt chú trọng đến trẻ em. Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc NCSC, chia sẻ: “Với mong muốn tất cả người Việt đều có thể tiếp cận các nguồn kiến thức cơ bản về an toàn thông tin cùng phương thức đảm bảo an toàn thông tin, NCSC sẽ đồng hành cùng Google để phát triển và hoàn thiện các nội dung cho phù hợp với Việt Nam”.
Chị THÚY ANH, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM:Cần hiểu biết về mối nguy hiểm trực tuyến Tôi đọc các nghiên cứu cho thấy, một số ít phụ huynh thực hiện những việc cần thiết để bảo vệ con trẻ, như chỉ 1/3 (chiếm 38%) thường xuyên trò chuyện cùng con cái về các mối nguy hiểm trực tuyến và đưa chủ đề internet vào các cuộc trò chuyện trong gia đình, 27% thường xuyên kiểm tra lịch sử trình duyệt, 21% muốn trở thành bạn bè với con mình trên mạng xã hội… Tôi cho rằng phụ huynh cần hiểu biết hơn về sự nguy hiểm mà con mình phải đối mặt khi tham gia trực tuyến. Chúng ta cần phải giúp con em mình có nhận thức về mạng nhiều hơn và sử dụng những biện pháp bảo vệ kịp thời để giúp con mình an toàn khi trực tuyến như trong thế giới thực. Thời điểm này, để trẻ còn quá nhỏ truy cập internet một cách tự do là điều cần hạn chế tối đa. |