Đã vậy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ít được Nhà nước đầu tư (vì đợi thực thi quy hoạch). UBND TPHCM vừa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch phân khu như là một trong những giải pháp giải quyết bất cập này. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM - người được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng kế hoạch nêu trên, về vấn đề này.
Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội - cơ sở xây dựng kế hoạch
Thưa ông, căn cứ nào để UBND TPHCM giao Sở QH-KT xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch phân khu?
Ông Nguyễn Thanh Toàn: Điều 4 Nghị định 11/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị quy định: “UBND cấp tỉnh giao sở xây dựng là cơ quan đầu mối xây dựng chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh cho từng đô thị để UBND cấp tỉnh phê duyệt”. Căn cứ quy định này, UBND TPHCM đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM xây dựng Chương trình Phát triển đô thị TPHCM. Tuy nhiên, do đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang được nghiên cứu thiết lập nên thành phố đã báo cáo Bộ Xây dựng xin tạm ngưng thực hiện chương trình này. Trước mắt, để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 23 của Thành ủy TPHCM về quản lý trật tự xây dựng, UBND TPHCM đã có kế hoạch giao các sở ngành, quận huyện thực hiện một số giải pháp, trong đó giao Sở QH-KT TPHCM chủ trì phối hợp với các sở ngành xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt.
Thời gian qua, một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép là lộ trình thực hiện quy hoạch không được xác định rõ nên làm cho người dân và chính quyền địa phương rất lúng túng trong việc xin phép cũng như cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà. Trong khi mục tiêu của quy hoạch đô thị là những định hướng cho sự phát triển của tương lai, thì cuộc sống người dân sống trong khu vực quy hoạch lại cần những yêu cầu hết sức thiết thực mỗi ngày như xây dựng, sửa chữa nhà, mua bán nhà đất. Do đó, nếu có kế hoạch thực hiện quy hoạch và được thông báo một cách rõ ràng và có chính sách phù hợp, hạn chế độ vênh giữa nhà đất phù hợp quy hoạch và nhà đất không phù hợp quy hoạch, tạo điều kiện cho người dân được xây dựng, sửa chữa nhà hợp pháp thì sẽ góp phần lập lại trật tự xây dựng. Sở QH-KT TPHCM được giao nhiệm vụ này là vì vậy.
Nhưng như ông đã nói, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM còn đang được nghiên cứu điều chỉnh, vậy kế hoạch thực hiện quy hoạch này là thực hiện theo quy hoạch nào?
Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM và các quận huyện đều có các nghị quyết về phát triển kinh tế và xã hội trên địa bàn. Do vậy, trong khi chờ lập, phê duyệt chương trình phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, các nghị quyết này sẽ là cơ sở quan trọng để Sở QH-KT TPHCM xây dựng kế hoạch. Kế hoạch này sẽ phải xác định rõ được các dự án ưu tiên đầu tư, nguồn lực thực hiện và khi nào có thể thực hiện. Nguồn lực từ ngân sách Nhà nước hay nguồn lực từ các thành phần kinh tế, từ nguồn vốn vay nước ngoài… cũng phải rõ ràng. UBND TPHCM mong muốn có được kế hoạch thực hiện quy hoạch phân khu một cách rất cụ thể, cụ thể đến từng dự án để vừa có thêm công cụ quản lý, theo dõi việc phát triển đô thị vừa tạo điều kiện cho người dân thực thi quyền lợi hợp pháp của mình trong khu vực quy hoạch. Tất cả kế hoạch sẽ được công khai cho người dân biết. Chủ trương của Thành ủy, UBND TPHCM là cương quyết không để tình trạng quy hoạch treo, không biết bao giờ thực hiện, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống người dân.
Dự án có vốn đầu tư mới xem xét đưa vào kế hoạch
Ông có thể nói rõ hơn về quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch khi thành phố xây dựng được kế hoạch thực hiện quy hoạch một cách cụ thể?
Theo quy định, việc hạn chế về xây dựng, sửa chữa nhà… chỉ thực hiện tại khu vực dự án đã có quyết định thu hồi đất và được đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch một cách cụ thể với việc xác định rõ nguồn lực thực hiện sẽ giúp địa phương có cơ sở chính xác để xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Một câu hỏi cuối thưa ông, trên thực tế nhiều dự án thực hiện quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa vào kế hoạch sử dụng đất, thậm chí ra quyết định thu hồi đất và giao đất cho nhà đầu tư - có nghĩa quyền lợi của người dân đã bị hạn chế, nhưng vẫn kéo dài nhiều năm không thực hiện. Điều này đã và đang đẩy cuộc sống người dân vào tình thế rất khó khăn. Việc lập kế hoạch thực hiện quy hoạch có giúp tháo gỡ bất cập trên?
Việc thu hồi dự án chậm triển khai đã được TPHCM thực hiện quyết liệt trong thời gian qua. Hàng trăm dự án chậm triển khai đã bị thu hồi và người dân sống trong khu dự án đó đã được trả lại quyền lợi hợp pháp về đất đai.
Một trong những nguyên nhân chính khiến dự án chậm triển khai là do nhà đầu tư không đủ năng lực thực thi cả về tài chính lẫn tổ chức. Như tôi đã nói ở trên, việc lập kế hoạch thực thi quy hoạch sẽ được cân nhắc trên rất nhiều yếu tố, đặc biệt là tài chính. Chỉ những dự án đã có nguồn lực thực hiện mới được đưa vào kế hoạch thực thi quy hoạch và điều này sẽ là yếu tố quan trọng giúp hạn chế những dự án chậm triển khai, treo quyền lợi của người dân.
Tôi cũng muốn nói thêm, hiện nay pháp luật về đất đai và đầu tư có quy định rõ về việc nhà đầu tư nếu được giao dự án mà 3 năm không triển khai được thì sẽ bị thu hồi. Còn theo Luật Quy hoạch đô thị, cứ 3 năm các cơ quan chức năng phải tiến hành rà soát, đánh giá và nếu cần điều chỉnh lại các đồ án quy hoạch chi tiết và 5 năm đối với các đồ án quy hoạch chung, đồ án quy hoạch phân khu. Tất cả những điều đó cộng với kế hoạch thực hiện quy hoạch một cách chi tiết, cụ thể, tôi tin sẽ góp phần rất lớn trong việc chấn chỉnh tình trạng xây dựng không phép, sai phép và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân trong phát triển đô thị
Cảm ơn ông!