Quy hoạch phát triển không gian đô thị
Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Hòa Vang sẽ tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, trước hết trên cơ sở quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố triển khai thực hiện, tập trung quy hoạch phân khu 1/2000, ưu tiên triển khai sớm các khu vực trọng tâm phát triển của huyện.
Tập trung công tác lập quy hoạch một số dự án, công trình được thành phố thống nhất chủ trương như: Khu di tích mộ Thống chế Lê Văn Hoan (xã Hòa Phong); Vùng chuyên canh hoa, vùng nuôi tôm và vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên; Mở rộng vùng chuyên canh tại thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu; các địa điểm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Phú; Khu công viên vườn dạo, hồ điều tiết Bàu Thị tại xã Hòa Phong; Khu công viên vườn dạo Bàu Trai kết hợp đất Thương mại dịch vụ... Chú trọng phát triển theo hướng quy hoạch xanh và kiến trúc xanh gắn với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Nghiên cứu tiêu chuẩn khu đô thị kiểu mẫu để áp dụng cho các khu đô thị mới trên địa bàn huyện, trên cơ sở đề xuất xây dựng các khu đô thị xanh, khu đô thị sinh thái, khu đô thị sườn đồi phù hợp với từng địa bàn. Từng bước hình thành các khu đô thị mới dọc sông Túy Loan, sông Cẩm Lệ trên địa bàn các xã Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn theo đặc thù đô thị Hòa Vang mang bản sắc riêng, bảo đảm cảnh quan, sinh thái, môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch
Trong 5 năm đến, huyện Hòa Vang tập trung phát triển thương mại dịch vụ đặc biệt là du lịch, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch, từng bước hình thành các sản phẩm đặc thù như du lịch sinh thái, kết hợp với tìm hiểu lịch sử tại các di tích Gò Hà - Bàu Năng - Bia di tích Phổ Lỗ Sĩ; Đồng Nghệ, nước nóng Phước Nhơn, khu căn cứ Huyện ủy.
Xây dựng các tour du lịch đường sông trên sông Cu Đê, hình thành tuyến du lịch sông Cu Đê - Hải Vân. Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án du lịch. Phát triển hài hòa du lịch đường sông với du lịch đồi núi, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Hòa Vang phối hợp xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác quản lý Cụm Công nghiệp Hòa Nhơn; xây dựng và hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ Thông tin ở Hòa Liên; hình thành Khu công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Sơn và Hòa Ninh; hoàn thiện hạ tầng Làng đá chẻ Hòa Sơn…
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị kinh tế cao phục vụ đô thị và du lịch. Hình thành từ 2 đến 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 8 đến 10 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với tham quan du lịch.
Trên cơ sở này, huyện phấn đấu xây dựng từ 3 đến 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực có nhãn hiệu, thương hiệu. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Rà soát đề xuất cơ chế chính sách, danh mục đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Tập trung thực hiện Bộ tiêu chí Huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025 có 11/11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, trong đó có ít nhất 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài ra, Hòa Vang bám sát Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với địa bàn; đồng thời đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện, ưu tiên cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản lồng ghép với nguồn lực xây dựng nông thôn mới.