Đây cũng là một bước quan trọng để lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia liên quan đến áo dài.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa, trang phục áo dài đã đi cùng lịch sử của dân tộc Việt Nam. Mặc dù có một lịch sử hàng mấy trăm năm và phổ biến trong đời sống hiện đại nhưng các giá trị gắn với áo dài vẫn chưa có được vị thế của một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đối với công chúng, nhiều người vẫn chưa hiểu biết tường tận lai lịch, những bước thăng trầm, và những biến đổi không ngừng của trang phục này để định hình thành một nét văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng văn hóa và biểu tượng trang phục của Việt Nam.Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, chúng ta đang trong trong quá trình tích cực chuẩn bị và tổ chức nhiều hoạt động để hướng tới công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này, một mặt, sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO, mặt khác, việc nghiên cứu thấu đáo các vấn đề có liên quan đến di sản này cũng giúp cho chúng ta có được những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp để đảm bảo sức sống của áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của nhà nước Việt Nam.