Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến Ảnh: An Đăng - TTXVN
Cơ sở GDĐH quyết định phí đào tạo
Theo tờ trình của Chính phủ về Luật GDĐH, dự thảo đã xây dựng một số khái niệm tương đồng với quốc tế và các chuẩn cho GDĐH (chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở GDĐH…) làm công cụ quản lý nhà nước, tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế và lộ trình thực hiện tự chủ của các cơ sở GDĐH. Về liên kết đào tạo, dự thảo quy định không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành đào tạo bác sĩ để đảm bảo chất lượng đào tạo các ngành này. Về văn bằng GDĐH, dự thảo sửa đổi theo hướng quy định rõ hệ thống bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ theo xu hướng quốc tế; đồng thời, giao cho Chính phủ quy định tên văn bằng, chứng chỉ và trình độ của người học đã hoàn thành chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu trong GDĐH; bổ sung quyền của cơ sở GDĐH trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học và quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật. Dự thảo cũng yêu cầu công bố công khai các thông tin liên quan đến việc cấp văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH. Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự luật của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, đa số ý kiến đề nghị xem xét, phân định giữa trình độ đại học 3 - 4 năm với trình độ đại học từ 5 năm trở lên theo hướng quy định người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên nghiệp như bác sĩ, kỹ sư học từ 5 năm trở lên được công nhận đạt trình độ tương đương thạc sĩ, phù hợp với quy định hiện nay và cách xử lý hiện nay trong GDĐH trên thế giới. Liên quan đến học phí GDĐH, đa số ý kiến thường trực ủy ban tán thành việc cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định mức phí dịch vụ đào tạo. Đi đôi với cơ chế học phí này, cần quy định cơ chế giám sát để kiểm soát việc thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo.Tránh hạn chế quyền tự do kinh doanh UBTVQH cũng đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Hai nội dung được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm góp ý là mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật và tổ chức, hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thường trực ủy ban tán thành mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Để đảm bảo tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật đã quy định Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài trong quá trình tố tụng để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam thông qua các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh, thường trực ủy ban đề nghị cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công thương, nhưng để cơ quan này có đủ cơ sở pháp lý thực hiện tốt chức năng tố tụng cạnh tranh, cần được quy định rõ ràng trong luật chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, dự thảo luật phải cụ thể hóa các hành vi bị cấm, tránh hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, công dân đã được hiến định. Bên cạnh đó, cần giải trình rõ lý do dự thảo luật quy định thời hạn điều tra vi phạm pháp luật cạnh tranh dài hơn so với hiện hành. Tổng kết nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH tán thành quan điểm của Ủy ban Kinh tế về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và cơ cấu tổ chức, địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra rà soát lại các điều khoản của chương 4 dự thảo về chống độc quyền, đảm bảo kiểm soát và có giải pháp xử lý nghiêm tất cả các hành vi độc quyền.
Chiều 13-3, UBTVQH đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Ngô Đức Mạnh (tỉnh Bình Thuận). Ông Ngô Đức Mạnh đã được bổ nhiệm làm Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam tại Liên bang Nga.