![Khách hàng mua sắm tại một siêu thị thuộc Saigon Co.op](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/zlqxwpcqd/2025_02_13/xhh-7a-7167-7883.jpg.webp)
Thích ứng với xu hướng thị trường
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2024, những diễn biến bất lợi của thế giới đã tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, khiến hoạt động của nhiều DN bị ảnh hưởng. Hiện tại, dù DN đã dần ổn định trở lại và bắt đầu đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường, nhưng áp lực cạnh tranh và yêu cầu về chất lượng ngày càng cao thách thức hành trình của DN. Thách thức này sẽ là trở ngại mà DN Việt phải đối diện trong năm 2025, buộc DN phải thay đổi để thích ứng và bắt kịp dòng chảy của nền sản xuất toàn cầu.
Bà Trần Tuệ Tri, cố vấn và đồng sáng lập tổ chức Tư vấn Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam Vietnam Brand Purpose, cho rằng, DN cần tập trung vào người tiêu dùng (NTD) thông qua sáng tạo sản phẩm, dịch vụ, đi kèm các chiến dịch quảng bá rộng khắp giúp người dùng nhận biết. Việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng, dẫn dắt thay đổi thói quen tiêu dùng rất quan trọng, bởi nó sẽ tác động đến sản xuất, phân phối hàng hóa. Nhận định về xu hướng thị trường tiêu dùng, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết, có 4 xu hướng tiêu dùng dự báo sẽ bùng nổ trong năm nay. Đầu tiên là sự lên ngôi của thương mại điện tử (TMĐT) và bán lẻ đa kênh (còn gọi là omnichannel) nhằm phù hợp xu thế của thế hệ tiêu dùng gen Z. Tiếp đến là xu hướng ứng dụng công nghệ điện toán hóa, số hóa. Xu hướng thứ ba là sự chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trong bán lẻ. Xu hướng này thể hiện rõ rệt trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu của các nhà bán lẻ ngày càng rõ hơn, các nhà bán lẻ có ưu thế qua đó sẽ tìm cách để phù hợp với bối cảnh mới. Cuối cùng là xu hướng phát triển bền vững. Cụ thể là những đơn vị sản xuất xanh, phân phối xanh sẽ được hình thành, từ đó tác động đến quyết định mua hàng của NTD.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, để thích ứng, DN cần thay đổi đồng bộ nhiều giải pháp như ứng dụng công nghệ, tối ưu chi phí logistics, đa dạng hóa mô hình kinh doanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng phải có những thương hiệu lớn, đủ tầm, thương hiệu có tính dẫn dắt các thương hiệu khác, xây dựng thành hệ sinh thái đi kèm. Đơn cử trong lĩnh vực thương mại, TPHCM đang có thương hiệu lớn là Saigon Co.op. Nếu Saigon Co.op được xây dựng thành thương hiệu đúng tầm sẽ đủ sức dẫn dắt các DN ở những lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất thực phẩm… Qua đó tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ nhau cùng phát triển vững mạnh không chỉ ở nội địa mà còn vươn ra toàn cầu.
Tạo bệ đỡ để hàng Việt vươn ra toàn cầu
Theo nhà bán lẻ Saigon Co.op, năm 2023, Saigon Co.op đạt doanh thu gần 30.000 tỷ đồng, chiếm 32% thị phần bán lẻ tại Việt Nam. Năm 2024, dù bối cảnh thị trường đầy thách thức, song doanh thu của Saigon Co.op vẫn giữ nhịp tăng trưởng ở mức 6%. Chỉ riêng trong 8 tuần kinh doanh Tết Ất Tỵ 2025, toàn hệ thống phân phối của Saigon Co.op bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket đã đón tiếp hơn 100 triệu lượt khách đến tham quan, mua sắm với doanh số gần 7.000 tỷ đồng. Ước tính, mỗi ngày có hơn 1 triệu lượt NTD tham quan, mua sắm tại các siêu thị của Saigon Co.op…
Những con số trên cho thấy, Saigon Co.op không chỉ là một nhà phân phối, mà còn đóng vai trò cầu nối giúp DN Việt mở rộng thị phần, nâng cao giá trị sản phẩm. Suốt chặng đường 35 năm của Saigon Co.op, nhiều chiến lược của nhà bán lẻ này khi đưa ra đã tạo xu hướng dẫn dắt cho cộng đồng, từ đó giúp DN dần cải thiện để thích nghi với thay đổi nhanh của thời cuộc. Có thể kể tới Chiến dịch Tiêu dùng xanh được nhà bán lẻ này phối hợp Báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện lần đầu vào năm 2010. Trải qua 15 năm tổ chức, chiến dịch này đã góp phần định hình thói quen tiêu dùng xanh của người Việt. Tiếp đến vào năm 2019, Saigon Co.op đã tiên phong loại bỏ ống hút nhựa trên quầy kệ, thay vào đó chỉ kinh doanh ống hút giấy, ống hút thân thiện với môi trường. Quyết định này ngay lập tức kéo theo trào lưu sử dụng sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần của NTD, buộc DN phải thay đổi để thích ứng với thị trường… Hướng đi thân thiện môi trường khẳng định sự đúng đắn bởi không chỉ với hàng xuất khẩu mà ngay tại nội địa, NTD cũng không chấp nhận những sản phẩm có hại cho môi trường. Theo ông Nguyễn Anh Đức, có tới 50% nhà cung cấp cho Saigon Co.op đã nhanh chóng chuyển đổi xanh phù hợp. Hiện tại, những nhà cung cấp cho Saigon Co.op tiếp tục chuyển mình, điển hình là việc các DN bắt tay cùng Saigon Co.op xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn trong năm 2024.
Báo cáo 15 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được Bộ Công thương đưa ra vào cuối năm 2024 khẳng định, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối của Saigon Co.op đạt trên 90% suốt nhiều năm qua. Nhà bán lẻ này cũng luôn chủ động trong việc mở rộng thị phần hàng Việt ở thị trường quốc tế. Hiện Saigon Co.op đã hợp tác với hệ thống siêu thị quốc tế tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản để đưa hàng Việt ra thế giới. Vì thế, những nhà cung cấp trong hệ sinh thái của Saigon Co.op nếu bắt tay chặt chẽ sẽ có cơ hội mở rộng thị phần và khẳng định thương hiệu bền vững.
Chia sẻ kế hoạch đồng hành cùng DN, nhà cung cấp trong năm 2025, đại diện Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op sẽ hỗ trợ DN chuyển đổi số và bán hàng đa kênh bằng cách đưa sản phẩm của DN Việt lên các nền tảng TMĐT của Saigon Co.op; đào tạo DN về TMĐT, tối ưu logistics, thanh toán số... Tận dụng lợi thế tiếp cận trực tiếp nhu cầu khách hàng, Saigon Co.op đã thống kê, đưa ra những định hướng sát thực tế để hỗ trợ phát triển thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm cho DN, bao gồm hỗ trợ tư vấn cho DN cung ứng đổi mới thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu chuẩn quốc tế… Qua đó, Saigon Co.op phấn đấu trở thành bệ phóng cho DN Việt, không chỉ chiếm lĩnh thị phần nội địa mà còn vươn ra quốc tế.
* Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA):
Năm 2024, UBND TPHCM đã phân công HUBA chủ trì phối hợp với Sở Công thương xây dựng “Đề án xây dựng một số DN lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu”. Hiện tại, đề án đã được HUBA trình lên Sở KH-CN để chờ phê duyệt. Trong đề án này, chúng tôi có những đánh giá cụ thể về hiện trạng các thương hiệu của TPHCM, trong đó có những DN lớn như Saigon Co.op. Đề án cũng nhận định về mức độ nhận diện của thương hiệu đã đủ lớn hay chưa, cũng như tiêu chí nào có thể xây dựng để tạo sự dẫn dắt cho thương hiệu. Đặc biệt, đề án cũng tham khảo các mô hình thành công ở những quốc gia phát triển trên thế giới, qua đó có đề xuất phù hợp cho DN của TPHCM nhằm tạo cơ sở thực tiễn để áp dụng triển khai.
* TS ĐINH THẾ HIỂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng:
Trước đây, “Hàng Việt Nam chất lượng cao” là cụm từ bảo chứng thu hút nhiều DN tham gia bởi DN được chứng nhận này sẽ là nền tảng xây dựng được thương hiệu với NTD. Tuy nhiên, sau này “Hàng Việt Nam chất lượng cao” không còn đủ mạnh để tạo dẫn dắt. Trong bối cảnh mới, những thương hiệu muốn đủ mạnh, có tầm dẫn dắt các DN khác cần có yếu tố quản trị tốt, phải coi chất lượng là yếu tố sống còn và không nên làm theo phong trào.