Đây chính là đơn đặt hàng của thị trường dành cho 51 cơ sở giáo dục đại học (bao gồm đại học công, tư) đã được tập hợp thành nhóm “tinh hoa”, hoạt động theo cơ chế “Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM”, do Chủ tịch UBND TPHCM làm chủ tịch hội đồng. UBND TPHCM vừa là nơi chào mời, kêu gọi và tạo các đường dẫn xúc tiến, đầu tư thương mại, vừa là chủ đơn hàng - thông qua hội đồng - để đặt hàng đào tạo số lượng lớn lao động có kiến thức và công nhân có kỹ năng để cung cấp cho nhà đầu tư.
Năm 2023, Hội đồng Hiệu trưởng sẽ chuẩn bị và triển khai một số chương trình cụ thể về đào tạo - nghiên cứu theo đặt hàng, nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy nghiên cứu - đổi mới sáng tạo, xây dựng và quản lý campus đại học, hợp tác với doanh nghiệp. Để hiện thực hóa các mục tiêu, từ tháng 7-2022, UBND TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM đã ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2025, tập trung vào 4 nội dung quan trọng: đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM.
Từ thực tiễn cho thấy, có 5 đóng góp trực tiếp của hệ sinh thái Đại học Quốc gia TPHCM vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM: xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; gia tăng nhu cầu tiêu dùng của xã hội; hình thành lực lượng tri thức, tạo đồng thuận xã hội và campus + khu đô thị đại học đóng góp vào xây dựng cảnh quan, kiến trúc thành phố, không gian sinh hoạt - tương tác cho cộng đồng.
Chỉ tính riêng về đóng góp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong phạm vi thành phố, ngoài việc đào tạo lực lượng lao động trí thức, lao động có trình độ quốc tế cho chiến lược chuyển đổi số ở các lĩnh vực, sứ mệnh của các cơ sở giáo dục còn hỗ trợ việc đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng hàng năm cho cán bộ, lãnh đạo thành phố và các sở, quận huyện ở các lĩnh vực để bắt kịp thực tế, trong đó có những phát sinh từ thực tiễn, nằm ngoài các định chế nhưng lại “cần và đủ” cho sự phát triển.
Ở vai trò liên kết vùng, các cơ sở giáo dục sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả khu vực phía Nam ở các lĩnh vực trọng yếu như du lịch, công nghiệp, dịch vụ thương mại. Nhìn ra thế giới, việc hợp tác đào tạo, giáo dục, nghiên cứu, trao đổi sinh viên, giảng viên, hội thảo quốc tế chính là cầu nối quan trọng để nâng tầm thương hiệu TPHCM, góp phần thúc đẩy du lịch, giao lưu văn hóa và những ngành dịch vụ khác trên địa bàn thành phố.
Như vậy, để tối ưu hóa 5 đóng góp nêu trên, TPHCM cần triển khai ngay thời gian tới các đầu việc: nghiên cứu hiện trạng về đóng góp của 51 trường đại học (hoặc một số trường trọng yếu) vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đặt hàng về đào tạo theo yêu cầu, đổi mới sáng tạo/ khởi nghiệp theo yêu cầu và tập hợp đội ngũ trí thức để tiếp nhận những đóng góp phản biện, xây dựng đi tới đồng thuận xã hội về một số định hướng quan trọng của thành phố như cơ chế đặc thù, chính quyền đô thị…
Ở chiều ngược lại, các trường đại học cũng cần được chuẩn bị tiềm lực cho sự “cất cánh” ở những cách thức hỗ trợ đến từ chính quyền thành phố, đặc biệt trong huy động nguồn lực tài chính, kết nối nhà trường với doanh nghiệp và giải phóng mặt bằng, thiết lập - vận hành quản lý đô thị (cả các khuôn viên tại khu trung tâm lẫn các khu vực ngoại thành).