Hình thành hệ giá trị văn hóa và con người Bình Phước
Từ sau ngày tái lập tỉnh (1-1-1997), Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã luôn xem văn hóa là một trong những lĩnh vực quan trọng và đặt ra các mục tiêu, định hướng cụ thể cho từng nhiệm kỳ. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (nhiệm kỳ 1997-2000) đã xác định: Chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ít người; đầu tư tôn tạo, giữ gìn các di tích lịch sử để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; khuyến khích các sáng tác văn học nghệ thuật về đất nước, con người, về truyền thống tốt đẹp của quê hương Bình Phước. Và quan điểm đó tiếp tục được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025): “Quan tâm đầu tư các lĩnh vực xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân để văn hóa thực sự trở thành nền tảng của xã hội. Trong đó, con người được đặt vào vị trí trung tâm vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển”.
Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều văn bản tạo cơ sở pháp lý cho quá trình thực hiện như xây dựng văn hóa cơ sở, văn hóa công sở, văn hóa gia đình, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trên lĩnh vực văn hóa. Chỉ tính riêng giai đoạn 2012-2022, toàn tỉnh đã triển khai 254 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện 216 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền xử phạt hành chính hơn 1 tỷ đồng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” được tổ chức rộng khắp; sự liên kết, phối hợp giữa ba yếu tố gia đình - nhà trường - xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho giới trẻ được phát huy và việc xây dựng, tổ chức thực hiện các hương ước, quy ước ở khu dân cư được triển khai trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là quán triệt, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Trong giai đoạn 2003-2022, toàn tỉnh đã vận động quỹ “Vì người nghèo” được hơn 311 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng, bàn giao 12.811 căn nhà Đại đoàn kết; vận động xây mới, sửa chữa 1.476 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách và người có công khó khăn về nhà ở. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 823/843 khu phố, thôn, ấp văn hóa và 1.168/1.188 cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Đặc biệt, bước đầu đã hình thành hệ giá trị văn hóa, đặc tính con người Bình Phước “yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình, nhân ái, trọng nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Những đặc tính ấy là kết tinh của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng và sự pha trộn về văn hóa của 41 dân tộc anh em cùng chung sống hòa bình, khát vọng phát triển.
Lượng giá nguồn tài nguyên văn hóa
Tính đến tháng 8-2023, tỉnh Bình Phước có 7 di sản văn hóa vật thể quốc gia, 25 di sản văn hóa phi vật thể có giá trị được đưa vào danh mục kiểm kê, 45 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng được xếp hạng (5 di tích hạng quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh). Trong đó, phải kể đến đàn đá Lộc Hòa được xếp vào bảo vật quốc gia, Khu bảo tồn văn hóa sóc Bom Bo, Khu di tích quốc gia đặc biệt căn cứ Bộ chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam (Tà Thiết) và nhiều lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn, phục dựng.
Có thể nói, Bình Phước là một trong những địa phương có nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng như Phú Riềng Đỏ, chiến thắng Phước Long, Khu căn cứ Tà Thiết, nhà làm việc của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam, di tích đường Hồ Chí Minh... là nguồn tài nguyên quan trọng cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, đến nay việc khai thác nguồn tài nguyên quý giá này vẫn còn rất khiêm tốn.
PGS-TS Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TPHCM, cho rằng, phần lớn các di tích lịch sử cách mạng mới chỉ chú trọng đến cơ sở vật chất kháng chiến (cơ quan căn cứ, hiện vật) mà chưa tái hiện được đời sống kháng chiến, tri thức kháng chiến; lời thuyết minh không tái hiện hết giá trị di tích, thiếu các hoạt động trực quan như tải gạo, tải đạn, nấu bếp Hoàng Cầm…
Còn theo GS-TSKH Vũ Minh Giang, trước mắt, tỉnh Bình Phước cần lượng giá, hệ thống hóa các di tích, di sản hiện có. Khi địa phương muốn biến tất cả di sản văn hóa của mình thành tài sản, như một thứ tài nguyên thì trước hết phải lượng giá xem nó có gì. Hiện nay chúng ta mới nhắc nhiều dưới dạng kiểm đếm chứ chưa lượng giá, tức phải có nghiên cứu để xem giá trị của các di tích, di sản đến đâu và khai thác vào việc gì; cần tập trung khai thác cái gì cho hiệu quả, phù hợp nhu cầu trước mắt cũng như có kế hoạch lâu dài.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Bình Phước cần tập trung giải quyết. Đó là cần quán triệt sâu sắc, đầy đủ các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về văn hóa trong hệ thống chính trị và nhân dân; đổi mới tư duy quản lý văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh hệ giá trị văn hóa, con người Bình Phước giàu bản sắc văn hóa truyền thống nhằm tạo thương hiệu riêng trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế và Tỉnh ủy cần ban hành một Nghị quyết chuyên đề về văn hóa để thống nhất trong chỉ đạo và hành động.