Ngày 30-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 500 đại biểu Trung ương, địa phương và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019 với chủ đề “Lạng Sơn - điểm đến thành công của nhà đầu tư”.
Hội nghị cung cấp cho các nhà đầu tư các thông tin của 37 danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2019-2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Lạng Sơn có đường biên giới trên 231km, 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ, lối mở. Với hệ thống giao thông thuận tiện, nối liền các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, Lạng Sơn đã và đang trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa lớn của cả nước và các nước ASEAN sang thị trường Trung Quốc và ngược lại.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ và các bộ ngành quyết tâm hợp sức, hỗ trợ Lạng Sơn cũng như các tỉnh biên giới, cùng cả nước xây dựng một nền kinh tế mạnh. Chứng kiến tỉnh và các nhà đầu tư trao nhận các giấy tờ, biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng số tiền hơn 105.000 tỷ đồng, Thủ tướng đánh giá cao kết quả, ý nghĩa của hội nghị được tổ chức tại một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng đã thu hút số vốn lớn từ các nhà đầu tư trong nước.
Thủ tướng chỉ ra một số lợi thế kinh tế để tạo dòng chảy thương mại - đầu tư vào Lạng Sơn rõ hơn, trong đó nhấn mạnh vào kinh tế cửa khẩu và du lịch. Lạng Sơn chỉ cách Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, khoảng 230km, cách Hà Nội 150km. Như vậy, Lạng Sơn có thị trường 50 triệu dân Quảng Tây với GDP 300 tỷ USD và vùng Thủ đô Hà Nội với GDP 100 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn hàng năm trên 5 tỷ USD, gấp 3,8 lần quy mô kinh tế của Lạng Sơn. Do đó, kinh tế cửa khẩu là thế mạnh lớn của Lạng Sơn, cần tiếp tục thúc đẩy, tạo sức bật lớn cho tỉnh nhà.
Về lợi thế phát triển du lịch, Thủ tướng nêu bật tiềm năng của Mẫu Sơn, đã được quyết định là khu du lịch quốc gia, có cảnh sắc được ví như chốn “Bồng Lai tiên cảnh”, với dư địa tăng trưởng được đánh giá cao hơn Sa Pa. Lạng Sơn còn nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn, đặc sắc khác như động Tam Thanh, Nhị Thanh, 600 di tích lịch sử… cùng lễ hội văn hóa, truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc vô cùng phong phú.
“Nếu biết đầu tư và khai thác Mẫu Sơn cùng tiềm năng văn hóa ẩm thực khác của xứ Lạng, nhất định Lạng Sơn của chúng ta sẽ thành một điểm đến mới bùng nổ trên bản đồ du lịch Việt Nam trong thời gian đến”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần một nền kinh tế mạnh, bởi không có tuyến phòng thủ nào vững chắc bằng tuyến phòng thủ là một nền kinh tế mạnh. Lạng Sơn cần đề xuất xây dựng cơ chế liên kết các tỉnh biên giới tạo ra hành lang kinh tế phát triển mạnh, dọc tuyến biên giới. Chính phủ và các bộ, ngành quyết tâm hợp sức hỗ trợ Lạng Sơn cũng như các tỉnh biên giới thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng cho biết, vừa qua, nhiều địa phương tổ chức xúc tiến đầu tư, đưa các nguồn vốn ký kết tại hội trường vào cuộc sống, vì thế, năm nay, vốn đầu tư xã hội chiếm tới 34% GDP. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lạng Sơn sau đợt xúc tiến với số vốn hơn 105.000 tỷ đồng này, cần cùng các nhà đầu tư sớm bắt tay vào công việc, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án được ký kết. Nhà đầu tư đảm bảo lời nói đi đôi với việc làm. Chính phủ sẽ tiếp tục giữ gìn môi trường vĩ mô thuận lợi nhất để tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư cùng thành công.