Tỉnh Long An cũng tập trung phát triển mạng lưới giao thông vận tải. Cụ thể, sẽ hình thành nút giao đấu nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cấp quốc gia với hệ thống kết cấu hạ tầng cấp tỉnh, nhằm tăng cường tính kết nối giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bố trí thêm lối ra - vào với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại các huyện Bến Lức, Thủ Thừa. Đồng thời, tập trung cải tạo, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới 29 tuyến đường tỉnh khác.
Cụ thể, nâng cấp tuyến đường tỉnh ĐT 827E, trục động lực Đức Hòa, trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, đường Tân Tập - Long Hậu, đường song hành quốc lộ 62. Tỉnh cũng tập trung nâng cấp, cải tạo 5 tuyến vận tải đường thủy, gồm tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Mộc Hóa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Mộc Hóa và tuyến Phước Đông - Tân Kim.
Ngoài ra, tỉnh sẽ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo 18 cảng hàng hóa, có quy mô đáp ứng cho tàu hàng bách hóa, hàng rời có trọng tải từ 1.000-2.000 tấn; 17 cảng chuyên dùng bao gồm cảng xăng dầu, cảng phục vụ hoạt động một số nhà máy, khu công nghiệp với quy mô xây dựng đáp ứng tàu trọng tải từ 200-5.000 tấn và 14 cảng bến hành khách đồng bộ theo các tuyến vận tải khách và phù hợp với quy hoạch đô thị của tỉnh. Tỉnh cũng đã quy hoạch 2 cảng cạn Bến Lức (huyện Bến Lức) và cảng cạn Tân Lập (huyện Thủ Thừa), mỗi cảng có diện tích từ 10-15ha.
Cũng theo ông Huỳnh Văn Quang Hùng, tỉnh cố gắng thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn một cách đồng bộ, hợp lý, từng bước phát triển dịch vụ này theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. “Phát triển dịch vụ logistics thành ngành đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại là một trong những mục tiêu mà Long An đang hướng tới”, ông Quang Hùng nhấn mạnh.