* GS-TSKH TRẦN NGỌC THÊM: Hình thành chuẩn mực con người Việt Nam
Văn hóa và con người Việt Nam truyền thống đã tích lũy được cả một hệ giá trị rất phong phú, song đó là hệ giá trị hình thành trong bối cảnh của một xã hội nông thôn khép kín, với một nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, trong một lịch sử của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Hiện nay, chúng ta đang sống trong bối cảnh của một xã hội đô thị hóa và hiện đại hóa mạnh mẽ.
Có thể nói nôm na rằng, chúng ta đang đi vào thế giới hiện đại bằng những giá trị của một xã hội nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Vì vậy, bên cạnh việc phát huy các đức tính mà chúng ta rất tự hào như yêu nước và nhân ái, có những giá trị khác mà chúng ta cũng rất tự hào như tính linh hoạt, sáng tạo cần phải được điều chỉnh, vì cái linh hoạt vốn có có thể là cơ sở cho sự sáng tạo một cách tùy tiện, mang tính đối phó, trong khi một xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần sự sáng tạo một cách khoa học, bài bản...
Từ xưa đến nay, trong văn hóa Việt Nam, con người vốn có bản lĩnh rất mạnh, nhưng đó là bản lĩnh mang tính cộng đồng, bản lĩnh của một dân tộc dám đứng lên chống lại những kẻ địch mạnh hơn mình rất nhiều lần. Khi chuyển từ thời chiến sang thời bình, tính cộng đồng đã đẻ ra không ít thói hư tật xấu như bệnh a dua, bệnh sĩ diện, bệnh thành tích, bệnh phong trào... Hiện nay trên mạng xã hội, tình trạng khá phổ biến là khi một cá nhân nói lên tiếng nói khác biệt với đám đông thì ngay lập tức bị phản bác, thậm chí là “ném đá” từ cộng đồng mạng. Điều này vô cùng nguy hiểm, nó khiến con người ta ngại bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân, dù sự khác biệt đó có thể là ý kiến đúng.
Trong thế giới hiện đại, xã hội muốn phát triển cần có những con người kinh tế, con người khoa học với bản lĩnh cá nhân mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, tự tin nói lên tiếng nói cá nhân, không ngại khác biệt với số đông. Sự đúng sai trong khoa học, trong kinh tế không phụ thuộc vào số đông mà phụ thuộc vào tính lôgíc và sự hợp lý của vấn đề.
Như vậy, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam đòi hỏi mỗi người cần thay đổi để hình thành các chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh xã hội phát triển và hội nhập quốc tế.
* PGS-TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội: Nhiều thách thức cho văn hóa
Hội nhập quốc tế mang lại nhiều cơ hội cho đất nước, đặc biệt, trong việc huy động các nguồn lực, đúc rút kinh nghiệm cũng như trải nghiệm những khác biệt về văn hóa. Song bên cạnh những cơ hội, chúng ta cũng đang gặp nhiều thách thức trong quá trình hội nhập. Đó có thể là những phức tạp trong diễn biến hòa bình, thách thức trong cạnh tranh kinh tế quốc tế, hay sự xao lãng của người dân, đặc biệt là thanh niên đối với văn hóa dân tộc… Những thách thức này, nếu chuyển hóa được và giải quyết một cách thấu đáo, sẽ trở thành những điều kiện thuận lợi khác cho sự phát triển xã hội ở Việt Nam; bằng không, chúng sẽ trở thành những mối hại lâu dài cho sự nghiệp phát triển bền vững của dân tộc.
Sự va chạm giữa các nền văn hóa có thể khiến một nền văn hóa mạnh lên, cũng có thể khiến nó yếu đi, tùy vào khả năng đề kháng của nền văn hóa đó. Khả năng đề kháng phụ thuộc vào giá trị của văn hóa truyền thống cũng như ý thức của thế hệ ngày hôm nay đối với những vấn đề của văn hóa.
Trong xã hội đương đại, văn hóa truyền thống có vai trò quan trọng trong việc xác định mối dây liên hệ lịch sử, giúp đoàn kết cộng đồng, xác định giá trị của mỗi cộng đồng và góp phần định hướng các giá trị của tương lai. Trong khi các vấn đề xã hội nảy sinh cần nhiều biện pháp giải quyết như tệ nạn xã hội, lối sống buông thả, không mục đích của một bộ phận không ít thanh thiếu niên…, văn hóa truyền thống trở thành một cột trụ để xác lập nền tảng phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc và đề kháng những tác động tiêu cực đối với nền văn hóa đó.
* TS NGUYỄN THỊ HẬU, Tổng Thư ký Hội Sử học TPHCM: Bảo vệ và đề cao văn hóa bản địa, bản sắc riêng
Trong bất cứ thời đại nào, mọi quốc gia đều có sự hội nhập với quốc tế, nhất là những nước xung quanh mình, theo từng giai đoạn mà mức độ, hình thức sẽ khác nhau. Trong điều kiện hội nhập, trước hết mình phải hiểu mình và hiểu người, trang bị tri thức và trí tuệ để tiếp thu và nâng tầm kiến thức. Chúng ta phải bảo vệ, giữ gìn và đề cao văn hóa bản địa, bản sắc riêng của chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta thua kém so với phương Tây và cũng không đề cao quá mức đặc thù văn hóa của mình. Nếu chúng ta cứ bảo thủ và đề cao đặc thù văn hóa của mình thì tự đẩy mình ngày càng rời xa thế giới. Giữ bản sắc không có nghĩa là bảo thủ văn hóa của mình và hòa nhập không có nghĩa là thay đổi hoàn toàn văn hóa của mình, mà phải biết mềm mại, chọn lọc tiếp thu để phù hợp với văn hóa và bối cảnh xã hội trong nước.
Khi nói về bản sắc thì khá nhiều người thường nghĩ là một điều gì đó rất truyền thống và rất Việt Nam, nhưng thực tế không hẳn tất cả đều như vậy.
Như tại TPHCM, bản sắc chính là sự hòa hợp và tiếp nhận cái mới rất nhanh chóng, nhưng đồng thời không phụ thuộc vào cái mới, mà biến đổi để trở thành một phần văn hóa của thành phố. Bản sắc văn hóa của thành phố là luôn cởi mở và luôn tiếp nhận cái mới. Khi chúng ta cởi mở như vậy sẽ không bị định kiến và sẽ dễ dàng tiếp nhận, biến đổi cái mới, để phù hợp với bản sắc TPHCM. Điều này thấy rất rõ ở con người thành phố, là một đô thị có nhiều người dân nhập cư, nhưng ai đến đây cũng giữ được văn hóa riêng của mình, đồng thời vẫn là một người thành phố, dễ dàng bắt kịp nhịp sống, văn hóa nơi này.
* TS PHẠM CAO QUÝ, Cục Di sản văn hóa: Trước tiên là giáo dục trẻ thành người có văn hóa
Để nền tảng giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam là cốt lõi, trước hết mọi thứ cần được bắt đầu từ con người, con người là trung tâm mà trong đó có con người cá nhân, con người gia đình và con người xã hội. Song hành với nó là văn hóa cá nhân, văn hóa gia đình và văn hóa xã hội.
Nhiều nhà nghiên cứu đồng quan điểm rằng, trong thời gian qua, chúng ta mới chú trọng, quan tâm tới con người xã hội mà ít quan tâm tới con người cá nhân, con người gia đình. Tôi xin dẫn lại câu trong Nho giáo là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Hai vế đầu của câu này ít được quan tâm. Hay nói cụ thể hơn là văn hóa cá nhân, văn hóa gia đình là khởi nguyên cho nền tảng văn hóa; văn hóa xã hội, văn hóa gia đình là hạt nhân. Việc giáo dục văn hóa cá nhân và văn hóa gia đình cần được xác định là quan trọng hàng đầu.
Hiện nay, có tình trạng là trẻ nhỏ có thời gian với người giúp việc, với lớp, với trường, với điện thoại thông minh… hơn là thời gian tương tác với bố, mẹ. Giải pháp là phụ huynh cần quan tâm hơn nữa tới việc giáo dục văn hóa cho trẻ nhỏ, dành nhiều thời gian, trí tuệ, tình cảm hơn nữa tới trẻ nhỏ, dạy văn hóa cho trẻ ngay từ khi còn rất nhỏ, từ văn hóa hành vi cá nhân tới văn hóa truyền thống gia đình, gia phong, nếp nhà rồi tới văn hóa ứng xử, văn hóa hành vi cộng đồng, xã hội.
Muốn làm được vậy thì chính các phụ huynh cũng cần củng cố, bồi đắp, hoàn thiện nền tảng văn hóa của mình về nhận thức, kiến thức, kỹ năng để giáo dục và làm gương cho trẻ. Cần làm tròn trách nhiệm của mình, không phó mặc trẻ cho nhà trường. Nên có nhận thức là giáo dục trẻ thành người có văn hóa trước, biết yêu thương, tôn trọng, trách nhiệm...