Tương lai nối dài từ quá khứ
Những năm gần đây, câu chuyện văn hóa truyền thống không chỉ còn là bề nổi, nhiều nhóm bạn trẻ đã theo đuổi các dự án cổ phục, tìm hiểu văn hóa bản địa ngàn đời một cách chủ động, bài bản. Có thể kể đến hàng loạt hội nhóm phỏng dựng, phục dựng cổ phục, kiến trúc văn hóa xưa một cách chuyên sâu trên mạng xã hội như: Đại Việt cổ phong, Hoa văn Đại Việt, Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp, Ỷ Vân hiên, Nguyên Phong đoạn lĩnh…
Đầu năm 2021, nhóm bạn trẻ yêu thích cổ phục phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức chương trình “Tóc xanh - Vạt áo” để trò chuyện và tìm hiểu về cổ phục cùng nghi lễ văn hóa truyền thống. Hay đầu tháng 8-2021, quyển sách song ngữ Việt - Anh Dệt nên triều đại do nhóm bạn trẻ Vietnam Centre biên soạn, khái lược về cổ phục Việt Nam trong cung đình thời Lê sơ (1428-1527), đã vinh dự góp mặt vào thư viện Đại học Quốc gia Australia (ANU), góp thêm tiếng nói về bản sắc văn hóa Việt Nam vào kho tư liệu văn chương châu Á - Thái Bình Dương lớn nhất tại Australia.
Chia sẻ những thành công trong việc quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam ra nước ngoài, chị Ngọc Linh (thành viên nhóm Vietnam Centre) cho biết: “Từ đây sẽ có những học giả, sinh viên của Australia đọc. Trong số đó hẳn sẽ có người nghiên cứu về lịch sử châu Á, người hoạt động sáng tạo và muốn tìm cảm hứng từ văn hóa Á Đông, người gốc Việt muốn hiểu hơn về nguồn cội. Như vậy, Dệt nên triều đại sẽ phần nào quảng bá văn hóa, hình ảnh của Việt Nam ra với thế giới. Dự án sắp tới là ấn phẩm song ngữ, khảo cứu về giáp trụ trong lịch sử Việt Nam qua tư liệu chữ viết. Dù một số thành viên của nhóm ở nước ngoài hay trong nước thì lịch sử và văn hóa truyền thống luôn là mục tiêu mà chúng tôi theo đuổi và góp phần lan tỏa”.
Về những dự án của mình, họa sĩ Nguyễn Quốc Trí bày tỏ: “Trong tác phẩm của mình, tôi luôn lồng ghép và sử dụng các yếu tố mỹ thuật xưa. Tôi nghĩ người trẻ cần nhìn nhận vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa, truyền thống, bởi đó là tấm áo đẹp và là bữa cơm ngon nuôi dưỡng người Việt chúng ta. Kinh tế phát triển hơn là lúc phát triển cho vẻ ngoài, làm đẹp bộ mặt đất nước qua những hiểu biết, tiếp thu và xây dựng lại các giá trị truyền thống. Tôi chọn bắt đầu từ trang phục để kể câu chuyện về một thời kỳ lịch sử và giá trị văn hóa truyền thống ẩn trong từng tấm áo”.
Nhiều người lo ngại vì giới trẻ ngày nay rời xa truyền thống, song đúng hơn là họ đang bối rối, mất phương hướng trước những cái mới mẻ, đầy màu sắc của hội nhập mang lại. Làn gió mới hội nhập cũng đem đến cho người sáng tạo cách tiếp cận đa chiều hơn, môi trường nghệ thuật phong phú hơn nhưng rõ ràng cũng làm xuất hiện nhiều sản phẩm lai tạp sống sượng. Thực tế chứng minh, việc tiếp thu tinh hoa văn hóa các dân tộc khác trên nền tảng văn hóa dân tộc vững chắc mới có thể tạo ra những giá trị đặc biệt.
Là gương mặt nổi bật, ghi dấu ấn thời trang Việt Nam trên thế giới với trang phục mang màu sắc truyền thống, NTK Minh Hạnh không ngừng tìm hiểu, khai thác ngày một mạnh hơn chất liệu dân tộc trong mỗi thiết kế. Chị từng chia sẻ khát khao khám phá đến tận cùng vì sao thời trang lại quan trọng thế, mê hoặc thế giới đến thế. Chị nghiệm ra giá trị lớn bất biến từ văn hóa truyền thống, đó là một kho tàng bất tận để khám phá và bước tiếp với nhiều điều mới lạ và năng lượng tích cực.
Truyền thống cũng hồi sinh trong một diện mạo mới, mang hơi thở đương đại với những sáng tác mới của các bạn trẻ như Hoàng Thùy Linh, Hà Lê, Ngô Hồng Quang... Làng thời trang thế giới cũng không khỏi bất ngờ với sức biến hóa tuyệt vời của lãnh Mỹ A trong các bộ sưu tập của NTK Công Trí. Năm 2020, sau 20 năm làm nghề, Công Trí đã chạm đến ước mơ “vươn ra thế giới” của một thương hiệu thời trang Việt - điều mà hiếm hoi nhà thiết kế Việt làm được khi nhiều siêu sao quốc tế xuất hiện ở lễ trao giải Oscar, Emmy hay trên thảm đỏ nhiều buổi ra mắt phim bom tấn… đã khoác những bộ cánh mang thương hiệu Công Trí.
Giá trị và di sản người Việt Nam
Đã nhiều năm trôi qua nhưng cảm xúc khi nhìn thấy món nem Việt Nam ở Bangi, thủ đô Cộng hòa Trung Phi, vẫn còn rất tươi mới với Trung tá Vũ Văn Hiệp, một trong 3 người lính mũ nồi xanh Việt Nam đầu tiên tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi. Anh kể, một lần đi chợ gần nơi đóng quân, vô tình thấy một phụ nữ bán món ăn giống món nem (chả giò) của Việt Nam. Đó thực sự là nem Việt Nam và người bán là một người Việt Nam, có lẽ bà là phụ nữ Việt Nam duy nhất sinh sống ở thủ đô Cộng hòa Trung Phi lúc đó. Xa quê gần 70 năm, bà Luyến không ngờ chính món nem rán lại đem đến nhiều đổi thay trong cuộc đời bà đến vậy. Nem rán nhiều năm qua được gia đình bà chế biến để cung cấp cho các nhà hàng xung quanh, giúp kinh tế gia đình khá lên nhiều và cũng không ngờ chính món nem rán lại kết nối đưa bà gặp được đồng hương ở mảnh đất xa xôi này…
Một trong những thương vụ mới nhất, đình đám nhất có lẽ thuộc về Phở Thìn khi xuất hiện một cửa hàng nhượng quyền tại Tokyo (Nhật Bản). Đó không chỉ là thành quả về kinh tế mà còn đánh dấu sức lan tỏa của một món ăn Việt, văn hóa ẩm thực Việt. Và còn đó rất nhiều câu chuyện về áo dài và nón lá, về phở và bánh mì, về ca trù và quan họ… đã là cầu nối đưa hình ảnh một Việt Nam đậm đà bản sắc đến với bạn bè thế giới.
Theo nhà văn Nguyễn Thương Huyền, người Việt Nam bản tính cần cù, giỏi chịu đựng và thích ứng trong mọi hoàn cảnh. Đó là cái hay cũng là cái dở của người Việt, nó tạo nên sự đa phong cách, dễ dung nạp lối sống của các tộc người khác. Hiện tại, để tạo được giá trị văn hóa có tính nền tảng của người Việt dĩ nhiên phải bắt đầu từ yếu tố con người, cần để người Việt Nam từ nhỏ tiếp cận với những đặc tính “riêng” hoặc có yếu tố “riêng” trong mọi góc độ đời sống sinh hoạt, để lớp trẻ thấm, ngấm dần rồi mới hy vọng vun đắp được nền tảng giá trị văn hóa riêng của người Việt. Phải bắt đầu bằng yếu tố con người nhưng trong thực tiễn chứ không phải chỉ là giáo dục có tính giáo điều. Phải để họ sống, tự tham gia, tự nhận thức, tự điều chỉnh mới có thể tạo ra bản sắc.
Còn theo TS Phạm Cao Quý (Cục Di sản văn hóa), những phẩm chất nổi bật của người Việt Nam chính là sống hòa hợp, thích nghi với thiên nhiên; thích ứng với hoàn cảnh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; tính cần cù, chịu khó, lạc quan. Ông khẳng định: “Những phẩm chất trên dẫn tới việc người Việt Nam luôn đứng trước nhiều lựa chọn, luôn phải thích nghi với các điều kiện về tự nhiên, xã hội, văn hóa… cho nên việc cùng chọn một lối sống nào đó kiểu “tối giản” hay “hài lòng với những điều không hoàn hảo” là khó. Thay vào đó sẽ có nhiều lối sống, thích nghi và hòa hợp”.
Trong xu thế toàn cầu hóa, văn hóa luôn biến chuyển không ngừng, không dừng lại ở những con phố thân quen, bản làng, thôn xóm… mà lan tỏa đến khắp nơi, với sự hỗ trợ và kết nối đa chiều từ internet, mạng xã hội. Làm sao để giữ một bản sắc dân tộc riêng với những màu sắc văn hóa truyền thống khác biệt và cốt cách con người chuẩn mực, đó là sức mạnh nội sinh, là hệ giá trị văn hóa mà mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam đang chú trọng.
Trong mọi vấn đề, con người vẫn là chủ thể và trong những giá trị di sản, văn hóa truyền thống cần giữ gìn không thể bỏ qua di sản con người. Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, bày tỏ: “Chúng ta nhắc nhiều về di sản, nhưng có một di sản quan trọng hơn hết chính là di sản con người. Trong môi trường hội nhập hiện nay, phải làm sao để khi nhìn vào người ta biết đó là người Việt Nam. Cần xác định, người Việt Nam có những đức tính nổi bật nào? Trong xã hội hiện đại, những đức tính, cốt cách hiền hòa, văn hóa ứng xử hàng ngày giữa người với người cũng đang có nhiều méo mó. Điều đó rất đáng lo ngại”. |