Gia đình là tổ ấm thiêng liêng của con người, là chiếc nôi đùm bọc che chở cho con người. Gia đình là tế bào của xã hội, là một trong những định chế xã hội góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua thời gian và những biến cố lịch sử, gia đình Việt Nam vẫn là nơi gìn giữ, phát huy truyền thống, chuẩn mực giá trị cao đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc: yêu quê hương, đất nước, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, cần cù lao động, sáng tạo, bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm…
Trong quá trình đổi mới, gia đình Việt Nam đã có những biến đổi tích cực. Tính độc lập, năng động, sáng tạo của các thành viên gia đình được phát huy và gia đình đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Song, mô hình gia đình truyền thống đang bị tác động bởi lối sống hiện đại. Gia đình ít người, ít thế hệ cùng chung sống ngày càng nhiều hơn; mỗi thành viên trong gia đình được tạo điều kiện để có thể có không gian tự do hơn. Do công việc, học hành…bận rộn, bữa cơm chung nhiều lúc thiếu vắng vài thành viên; quan hệ gia đình như lõng lẻo hơn. Không ít người lớn tuổi lâm vào tình cảnh cô đơn trong chính ngôi nhà của mình; không ít trẻ em ở suốt trong trường, khi về nhà thì dán mắt vào màn hình, giao tiếp ảo có khi nhiều hơn chia sẻ trực tiếp….
Cơ chế thị trường cũng có những tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực xã hội, trong đó có gia đình. Sức cám dỗ của đồng tiền, của lợi ích vật chất ích kỷ đã chi phối quan hệ gia đình… Tình trạng ly hôn có xu hướng tăng. Bạo lực gia đình cũng không giảm mạnh, hiện tượng bất bình đẳng trong gia đình vẫn còn. Những xung đột, kiện tụng, tranh chấp từ nội bộ gia đình cùng những cảnh báo tội ác từ những mâu thuẫn gia đình cũng là những hiện tượng không thể xem nhẹ. Thực trạng đó đòi hỏi phải tăng cường vai trò quản lý văn hóa gia đình.
Quan tâm xây dựng gia đình văn hóa - gia đình hạnh phúc với những nội dung thiết thực, phù hợp là việc làm mang ý nghĩa lớn, là giải pháp tốt nhất, có hiệu quả và lâu dài trong việc phòng ngừa xã hội đối với những vấn đề bức xúc đang đặt ra. Việc xây dựng gia đình hạnh phúc được đặt trong bước tiến chung của xã hội. Và việc xây dựng xã hội văn minh theo lý tưởng tốt đẹp, vì hạnh phúc chung của xã hội con người có ý nghĩa đối với xây dựng môi trường gia đình lành mạnh, hạnh phúc. Đây chính là điều mà Đảng ta, Nhà nước ta, các cấp chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã luôn quan tâm chăm lo. Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư đã nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiến pháp 2013 (sửa đổi) khẳng định: “Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân”. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI có nêu: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thật sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người … Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết thương yêu nhau”.
Những năm qua, TPHCM đã phát động và duy trì tốt phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” theo 4 nội dung (chấp hành chính sách, pháp luật; gia đình hòa thuận, nuôi con khỏe, dạy con ngoan; hưởng ứng phong trào an sinh xã hội; thực hiện nếp sống văn hóa). Từng nội dung được cụ thể hóa, có hướng dẫn điểm chuẩn để mỗi gia đình tự chấm trước khi đưa ra tổ dân phố xếp loại “gia đình văn hóa”. Những hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa liên tục 3 năm sẽ được chủ tịch UBND phường - xã, thị trấn ban hành quyết định kèm theo giấy công nhận. Hiện nay, gia đình văn hóa đạt tỷ lệ rất cao.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng đã tạo được sự lan tỏa và phát huy tích cực trong đời sống xã hội. TPHCM đã triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tích cực xây dựng Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 (theo Quyết định 72/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) được các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, nhất là ở các phường, các khu phố quan tâm tổ chức những hoạt động nhằm kết nối yêu thương, biểu dương những gia đình văn hóa, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; bồi dưỡng kỹ năng làm cha, làm mẹ…có tác dụng tích cực đối với đời sống cộng đồng và đối với mỗi gia đình.
Để xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững trong thời kỳ hiện nay cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về gia đình, về thực hiện chính sách dân số và phát triển, nhân rộng những điển hình gia đình tiêu biểu, hạnh phúc. Khuyến khích các hoạt động giúp các gia đình có thêm kiến thức, kỹ năng, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Quan tâm phát triển kinh tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ có liên quan giúp gia đình nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cùng với việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để con người phát triển toàn diện. Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI có nêu về Đề án xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TPHCM đến năm 2030.
Để từng gia đình là hạt nhân tốt của xã hội, bên cạnh sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội thì vai trò của từng gia đình và các thành viên trong gia đình là hết sức quan trọng và có tính quyết định. Dù gia đình truyền thống hay hiện đại, dù có những biến đổi nhất định qua thời gian thì sự đùm bọc, yêu thương, chăm sóc lẫn nhau vẫn là vĩnh cửu, vẫn là những giá trị truyền thống tốt đẹp có sức sống lâu bền. Các giá trị đạo đức gia đình, giá trị phát triển con người, giá trị văn hóa cộng đồng, xã hội… luôn là hành trang quý giá cho các thế hệ con người Việt Nam, phải được gìn giữ và phát huy.