Chỉ cần biết tổ chức
Trong số 56 tổ trưởng tổ dân phố được UBND TP Đà Nẵng trao tặng Bằng khen, có bà Nguyễn Thị Chính (SN 1951) là tổ trưởng tổ dân phố 57 phường Chính Gián (quận Thanh Khê), được xem là một trong những người giàu kinh nghiệm với 25 năm hoạt động.
Bà Chính hào hứng khi nhắc đến tổ dân phố của mình. Theo bà, trước đây tổ dân phố 57 còn nghèo. Hầu hết người dân là lao động, buôn bán nhỏ. Nhiều người không có công ăn việc làm ổn định, nhất là sau dịch Covid-19. Năm 2021, tổ dân phố 57 có một ổ dịch với khoảng 10 hộ, lớn nhất ở phường Chính Gián.
“Người dân sống ở tổ hầu hết là lao động nghèo, nên khi vận động bất kỳ hoạt động gì đều là một nỗ lực của tập thể những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Sau khi thông tin trong cuộc họp, tôi cũng đến từng nhà, dùng tình cảm, nhiệt huyết của mình thuyết phục, vận động để họ có thể thấu hiểu và cùng hưởng ứng, tham gia. Không chỉ vậy, tôi dùng những hành động, kết quả để chứng minh sự đóng góp của họ là vô cùng quý giá”, bà Chính chia sẻ.
Tương tự, khi đề cập đến các hoạt động của tổ, bà Nguyễn Thị Quyền (SN 1950) tổ trưởng tổ 42 phường Thuận Phước (quận Hải Châu) chia sẻ, không có việc gì khó, chỉ cần người dẫn đầu biết cách làm, tổ chức, vận động.
Trước đây, tổ dân phố của bà Quyền có một đoạn kiệt thường xuyên tồn tại các hoạt động liên quan đến buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy. Điều đáng nói, các đối tượng lại đến từ nơi khác.
Là người đứng đầu, bà Quyền vận động mọi người lắp đặt camera để giám sát, phát hiện các đối tượng này.
Hay khi đề cập đến câu chuyện chuyển đổi số, bà cũng lựa chọn, vận động nhân lực trẻ thành thạo công nghệ để hướng dẫn người dân.
“Nhiều người dân trong tổ có tuổi nên khó sử dụng công nghệ. Đây là một hạn chế. Vì vậy, tôi lựa chọn, vận động những người am hiểu về công nghệ như các thầy cô giáo, sinh viên… trong tổ đến hướng dẫn người dân lắp đặt, sử dụng công nghệ”, bà Quyền nói.
Gìn giữ các giá trị truyền thống
Theo UBND TP Đà Nẵng, qua thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, việc chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, góp phần giữ gìn an ninh trật tự. Nhiều hạng mục thiết chế văn hóa, thể thao của thôn, tổ dân phố đã được chính quyền địa phương, người dân đồng thuận xây dựng, diện mạo khu dân cư được chỉnh trang, tạo điều kiện cho các hoạt động cộng đồng được phát triển.
Từ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng bước cải thiện, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn.
Tuy vậy, TP Đà Nẵng đang trong quá trình đô thị hóa diễn ra tương đối nhanh, không gian đô thị không ngừng được mở rộng cùng với sự tăng trưởng về kinh tế của địa phương làm nảy sinh nhiều vấn đề. Các hiện tượng vi phạm nếp sống văn minh đô thị chưa có hướng xử lý triệt để: lấn chiếm lòng đường, hè phố gây cản trở giao thông, tình trạng cơi nới, làm mái che, đặt biển quảng cáo sai quy định gây mất mỹ quan đô thị; việc thu gom, xử lý rác thải chưa có giải pháp đồng bộ, dứt điểm; ở địa bàn dân cư có nhiều phong trào, mô hình triển khai tạo sức ép cho cán bộ cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị, chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và hiệu quả của phong trào, trong đó, các cơ quan thường xuyên nêu gương điển hình tiên tiến, phê phán tiêu cực lạc hậu, góp phần thực hiện nhiệm vụ “xây dựng đời sống văn hóa phong phú, hình thành các giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng”.
Phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa kết hợp phải có sự đầu tư về kinh phí, nguồn lực với phương châm xã hội hóa, tạo nền tảng cho sự phát triển chung của toàn xã hội.
Đối với các ngành, địa phương, cần thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả công tác quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa; có sự rà soát để loại bỏ những mô hình bị trùng lắp.
“Năm 2025, trên cơ sở Luật thi đua khen thưởng và Nghị định khung của Chính phủ về các danh hiệu văn hóa, TP Đà Nẵng sẽ ban hành và áp dụng bộ tiêu chuẩn mới cho các danh hiệu Gia đình văn hóa, thôn/tổ dân phố văn hóa và xã/phường tiêu biểu. Tôi đề nghị các ngành, địa phương, cơ sở áp dụng triển khai, đánh giá và công nhận các danh hiệu văn hóa một cách nghiêm túc và thực sự hiệu quả để đảm bảo chất lượng của phong trào nói riêng và sự phát triển chiều sâu văn hóa của TP Đà Nẵng nói chung”, bà Thi nhấn mạnh.