Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến giai đoạn 1 điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Chưa hình thành đô thị “nén trung tâm - đa cực”
Báo cáo của UBND TPHCM nhận định, TPHCM nằm ở trung tâm Nam bộ, ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Nhiều quận, huyện của TPHCM có quy mô dân số rất lớn, tương đương một số tỉnh thành trong nước.
TPHCM hiện vẫn phát triển với một trung tâm rõ nét là khu vực lõi đô thị lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn và vùng phụ cận, chưa hình thành được mô hình đô thị “nén trung tâm - đa cực” với hệ thống các trung tâm chính, phụ và tiểu trung tâm là yếu tố tạo động lực phát triển theo các cực.
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TPHCM vẫn đóng vai trò đầu tàu cả nước về kim ngạch xuất nhập khẩu, nhưng tốc độ tăng trưởng đang thấp hơn một số địa phương khác, như Bắc Ninh, Bình Dương. Công nghiệp của thành phố không còn đóng vai trò dẫn dắt, động lực tăng trưởng mà chuyển sang các ngành thương mại, dịch vụ.
Tuy nhiên, những ngành động lực mới lại chưa đạt mức độ phát triển có thể bù đắp sự sụt giảm vai trò của các ngành truyền thống trong cơ cấu kinh tế cả nước, dẫn đến vai trò đầu tàu kinh tế cả nước suy giảm. Kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo là đặc điểm nổi bật của kinh tế TPHCM, nhưng phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thiếu doanh nghiệp quy mô có khả năng xây dựng và điều phối hệ sinh thái.
Bứt phá để thay đổi mô hình
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Việt Nam, tổ trưởng tổ công tác của Bộ Xây dựng, phân tích: TPHCM có sông Sài Gòn chảy dọc hàng chục kilômét, là “báu vật” của thiên nhiên, nhưng chưa được đầu tư nhiều. Do vậy, bên tư vấn cần đề cập trong quy hoạch việc phát triển hành lang sông Sài Gòn...
Cũng đề cập đến sông Sài Gòn, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của TPHCM, nhấn mạnh: phải ưu tiên phát triển giao thông dọc theo sông Sài Gòn, từ quận 1 đến huyện Củ Chi. Thực hiện công việc này sẽ tạo bước đột phá cho TPHCM. Thành phố phải thực sự nổi trội về y tế và giáo dục, nếu không thì sẽ không thể là đô thị “đặc biệt” của đất nước.
Trung tâm TPHCM bên bờ sông Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi lưu ý, trong điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, cần tập trung nghiên cứu mô hình đô thị đa trung tâm. Nếu cứ giữ đô thị hiện hữu, không mạnh dạn bứt phá, chúng ta vẫn sẽ phát triển không bền vững theo kiểu “vết dầu loang”. Yêu cầu nhiệm vụ của quy hoạch chung là định hướng phát triển không gian đô thị gắn với phát triển hệ thống hạ tầng giao thông (TOD) với các khu đô thị nén ở những đầu mối giao thông.
Đồng chí cũng đặt vấn đề TPHCM cần duy trì một tỷ lệ nhất định đất nông nghiệp, dự trữ cho thành phố. Đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu quy mô dân số bao nhiêu là phù hợp, chất lượng dân số ra sao? “TPHCM sẽ rà soát những cái gì tốt, cái gì cần tiếp tục phát huy, cái gì cần giữ lại, cái gì cần điều chỉnh, cần bỏ để bổ sung cái mới. Điều chỉnh quy hoạch làm sao để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Đây là cơ hội, là sứ mạng để chúng ta kiến tạo các nền tảng phát triển, mang lại cơ hội tốt hơn cho người dân” đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Theo UBND TPHCM, nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 1528/QĐ-TTg. Điều chỉnh quy hoạch chung phù hợp định hướng phát triển của toàn vùng TPHCM, hướng tới phát triển thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.